Ngày 13/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị chuyên đề "Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ các cấp Thành phố tích cực tham gia có hiệu quả việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội". Dự hội nghị có: Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đại diện các MTTQ của 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Tại địa phận Hà Nội, tuyến đường dài 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.
Theo dự án tổng thể giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tổng thể diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ là 798,01 ha/58,2 km và 16,0005 ha thu hồi ngoài chỉ giới đường đỏ. Số hộ tái định cư khoảng 1.006 hộ; cần di dời khoảng 11.682 ngôi mộ. Thành phố dự kiến bố trí 12 khu tái định cư với diện tích 392.789 m2; di chuyển 43 cột điện cao thế.
Ngày 13/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức ký kết giao ước thi đua MTTQ của 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua để góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án giao thông trọng điểm của Quốc gia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc mở rộng không gian phát triển của Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, mở ra một hành lang vận tải và phát triển KT-XH liên vùng mà trọng tâm là Hà Nội.
Đồng tình với kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố về việc Thành phố cần tổ chức biên tập, ban hành Sổ tay tuyên truyền chung liên quan Dự án, đồng chí Dương Đức Tuấn cũng lưu ý Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của người dân để báo cáo kịp thời với chính quyền; người dân chủ động giám sát, phản ánh ngay với chính quyền về những biểu hiện tiêu cực (nếu có) trong công tác GPMB Dự án.
Đồng thời, đề nghị UBND quận, huyện, xã, phường thường xuyên cung cấp kịp thời tới Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố thông tin tình hình thực hiện Dự án; tăng tuyên truyền vận động Nhân dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho biết: Để đảm bảo Dự án khởi công ngay trong tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành cuối năm 2026, đưa vào hoạt động năm 2027 đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của 7 quận, huyện bám sát các mục tiêu, yêu cầu, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám dân, sát dân, làm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án Đường Vành đai 4, công khai, minh bạch các thông tin về Dự án; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động và nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, đảm bảo hoàn thành tiến độ GPMB đã đề ra.
Lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị đại biểu Nhân dân. Nắm chắc tình hình Nhân dân, làm tốt công tác dự báo tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu với cấp uỷ và phối hợp với chính quyền trong giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, không để hình thành điểm nóng. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát kết quả, tiến độ thực hiện dự án, nhất là trong công tác quản lý dân cư, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, GPMB, tái định cư… đảm bảo công khai, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng và đảm bảo tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của Dự án.
Phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, sát dân, gần dân; Tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe Nhân dân, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đặc biệt trong công tác di dời các phần mộ, thu hồi đất thổ cư…
Đặc biệt, nắm tình hình, quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, đảm bảo người dân yên tâm thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng, sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thi đua, cụ thể hoá phong trào thi đua bằng những nội dung công việc, việc làm, tiêu chí thi đua cụ thể; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhằm lan toả sâu rộng trong cộng đồng những việc làm tốt, hành động đẹp, các giải pháp, mô hình hiệu quả; tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ của Mặt trận, quyết tâm hoàn thành đảm bảo yêu cầu tiến độ đã đề ra.