Dự án chống ngập nghìn tỷ phía Tây Hà Nội bao giờ được vận hành hoàn chỉnh?

(CL&CS)- Trạm bơm tiêu nước phía Tây Hà Nội (Đông La - Yên Nghĩa) là một trong những công trình trọng điểm của Thủ đô, được kỳ vọng hỗ trợ tiêu thoát nước, phòng, chống úng ngập phục vụ cho sản xuất và cuộc sống của người dân dân sinh các quận, huyện ngoại thành phía Tây.

Ngày 23/2/2013, UBND thành phố đã có Quyết định số 1834/QĐ-UBND phê duyệt dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 3.916 tỷ đồng, gồm các hạng mục công trình: xây dựng trạm bơm công suất 120m3/s; mua sắm, lắp đặt các thiết bị cơ khí, thiết bị máy bơm... xây dựng khu điều hành quản lý; cải tạo cống tiêu tự chảy Yên Nghĩa; cải tạo, vét kênh La Khê đảm bảo dẫn 120m3/s, cải tạo các công trình trên kênh.

Ngày 13/2/2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 743/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) - giai đoạn 1. Theo Quyết định, quy mô xây dựng kênh La Khê được điều chỉnh theo hướng nạo vét, kè cứng hóa đảm bảo dẫn lưu lượng thiết kế 120m3/s mặt cắt chữ nhật. Ngoài ra, sẽ xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh, gồm 26 cửa xả nước và 2 cầu qua kênh và giao cho chủ đầu tư tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo đúng các quy định hiện hành.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020 tuy nhiên hiện nay, hạng mục xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành; nhưng còn nhiều hạng mục còn lại dở dang, gây bức xúc trong nhân dân.

Được biết, ngày 22/4/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1183/UBND-KT về việc điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến hết ngày 31/12/2022.

Dự án gồm nhiều giai đoạn trong đó giai đoạn 1 tiến hành xây dựng trạm bơm tiêu Yên Nghĩa với 10 tổ máy, tổng công suất 120m3/s. Dự án này cơ bản đã hoàn thành và có thể vận hành tiêu thoát nước cứu ngập cho 6 quận huyện phía Tây Thủ đô, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả.

Còn tại dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) đã triển khai thực hiện thi công xong cụm công trình đầu mối gồm các hạng mục nhà trạm, bể hút, bể xả, cống xả qua đê, cống tiêu tự chảy, công trình vớt rác, khu quản lý, thiết bị bơm, điện, vớt rác tự động, hệ thống kênh dẫn, kênh xả, hoàn thành mua sắm, lắp đặt thiết bị.

Các dự án trên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xóa các “điểm đen” ngập úng cho khu vực phía Tây Thủ đô thuộc các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức...sau khi đưa vào vận hành.

Mặc dù vậy, những ngày qua, Hà Nội trải qua nhiều trận mưa lớn, công trình "nghìn tỷ" này đã hoàn thành một số hạng mục nhưng vẫn chưa hoạt động hiệu quả khi Thủ đô vẫn ngập trong biển nước, cuộc sống của người dân vẫn bị đảo lộn bởi cảnh ngập úng kéo dài.

Ghi nhận của PV Tạp chí Chất lượng và cuộc sống ngày 2/6 nhiều hạng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã được hoàn thành.

Hình ảnh một số hạng mục đã hoàn thành và đưa vào vận hành:

 

Bên cạnh các hạng mục đã hoàn thành thì còn rất nhiều hạng hạng mục đang thi công dở dang và theo phản ánh của người dân thì các hạng mục này đã tạm dừng khá lâu rồi mà chưa thấy các đơn vị thi công tiếp tục triển khai. Những đoạn thi công dang dở, lòng kênh bị thu hẹp khiến khả năng tiêu nước giảm đi. Vì thế, dự án tiêu nước lại làm cho tình trạng ngập úng trở nên nghiêm trọng hơn.

Một số hình ảnh đang thi công dở dang và các khu lòng kênh bị thu hẹp lại:

Mùa mưa đã đến, đơn cử như chiều tối 29/5 nhiều tuyến phố ở khu vực phía Tây Hà Nội ngập trong nước. Với những điểm ngổn ngang trong hệ thống khu vực kênh dẫn nước như PV ghi nhận, hệ thống tiêu chuẩn thoát nước, kỹ thuật thi công công trình như vậy bao giờ mới hoàn thành để hỗ trợ thoát nước, chống ngập úng là điều người dân mong đợi.

Theo một số chuyên gia về xây dựng, sông ngòi, để giảm thiểu tình trạng ngập ở Hà Nội trong thời gian tới cần đánh giá lại khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước, khơi thông lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án, thực hiện đồng bộ sao cho các trạm bơm hoạt động hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN