Đợt sóng thứ hai dời hãng xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam

(NTD) - Với việc chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị cắt đứt bởi sự bùng phát của dịch viêm phổi, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ và Nhật Bản đang thúc đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra nước ngoài hoặc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Họ không thể chờ cho đến khi khủng hoảng Covid-19 được khống chế hoàn toàn. Google và Microsoft mở đầu cho làn sóng thứ hai này.

Máy tính Surface của Microsoft và điện thoại Pixel của Google sẽ bắt đầu được sản xuất tại Việt Nam từ quý 2/2020 trở đi. (Ảnh: Nikkei Montage).

Mặc dù đây chỉ là sự thay thế tạm thời để giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, các công ty cũng vẫn sẽ đánh giá xem các điểm đến mới này có cạnh tranh hơn Trung Quốc hay không, nơi mà tiền lương vẫn đang gia tăng.

“Made in Vietnam” từ tháng 4

Google và Microsoft đang tăng tốc việc di dời hãng sản xuất smartphone, máy tính cá nhân và các sản phẩm khác ở Trung Quốc sang Đông Nam Á vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ là điểm đến của hai hãng công nghệ này.

Hai nguồn tin của Nikkei Asian Review nói rằng Google đang chuẩn bị sản xuất Pixel 4A - dòng smartphone giá rẻ mới nhất của hãng - tại Việt Nam từ tháng 4/2020. Riêng Pixel 5 có thể được sản xuất từ quý 3.

Cả Google lẫn Microsoft đang cố gắng thúc đẩy sản xuất các sản phẩm phần cứng bởi mong muốn tăng số người dùng hệ sinh thái các phần mềm và dịch vụ điện toán đám mây (cloud computing) của họ. Google hiện đứng thứ hai thế giới về sản xuất loa thông minh sau Amazon và dòng smartphone Pixel của họ xếp thứ 6 trên thị trường Mỹ năm 2019, với sản lượng toàn cầu tăng 50%.

Google đã thảo luận với đối tác để sớm khởi động dây chuyền sản xuất các sản phẩm loa thông minh, như loại điều khiển bằng giọng nói Nest Mini. Các sản phẩm đầu tiên dự kiến sẽ bán trên thị trường từ quý 3 trở đi.

Bắt đầu sản xuất phần cứng máy tính cá nhân từ năm 2012, Microsoft dự định sẽ sản xuất dòng laptop và máy tính để bàn hiệu Surface ở phía Bắc Việt Nam sớm nhất từ quý 2/2020. “Sản lượng ban đầu ở Việt Nam sẽ thấp, nhưng sẽ tăng dần. Đây là hướng mà Microsoft muốn” - giám đốc một chuỗi cung ứng nói.

Hiện phần lớn smartphone của Google và máy tính của Microsoft được sản xuất ở Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm nhiều nhà sản xuất - đặc biệt các hãng công nghệ - xem lại nguy cơ quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đợt bùng phát dịch viêm phổi do vi rút Corona đã khiến nguy cơ đó lớn hơn.

“Cơn dịch bất ngờ buộc các hãng điện tử phải tìm nhà sản xuất nằm ngoài Trung Quốc vốn luôn giá thành thấp. Không ai có thể xem thường nguy cơ sau vụ này. Nó không chỉ đơn thuần là giá thành mà là sự quản lý liên tục của chuỗi cung ứng” - một trong những nguồn tin nói.

Không như các hãng Apple, HP và Dell, các hãng công nghệ như Google và Microsoft có vẻ nhạy cảm và sớm có quyết định dời xưởng sản xuất khỏi Trung Quốc.

Dù hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã ký kết vào tháng 1/2020, Google vẫn nói các nhà cung ứng có nghiên cứu khả thi và báo giá để hãng có thể tháo dỡ bớt thiết bị sản xuất và chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam bằng đường bộ, đường biển và đường không. Microsoft thì khởi sự kế hoạch sản xuất ở Việt Nam sớm hơn dự định sau khi dịch bệnh lan rộng ở Trung Quốc.

Tuy vậy, việc di chuyển nhà máy chưa khắc phục hoàn toàn sự lệ thuộc của hai ông lớn công nghệ với Trung Quốc. Nhiều linh kiện, nguyên liệu để tạo ra sản phẩm cuối cùng của Google và Microsoft được sản xuất tại Trung Quốc.

“Ngay cả khi quy trình lắp ráp cuối cùng nằm ngoài Trung Quốc, các nhà sản xuất vẫn cần linh kiện và nguyên liệu của nước này. Đó là vấn đề của cả chuỗi cung ứng, cần có thời gian để xây dựng lại” - nhà phân tích công nghệ Joey Yen tại Công ty nghiên cứu IDC nói với Nikkei.

Việt Nam - đích đến được ưa chuộng

Một cuộc khảo sát cho thấy dịch bệnh lần này đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của 54% các công ty. Nhưng chỉ 23% cho biết họ có kế hoạch sản xuất hoặc mua sắm thay thế trong trường hợp Trung Quốc ngừng hoạt động kéo dài.

Meiko Electronics là nhà sản xuất bảng mạch xe hơi, đặt hãng lớn nhất tại Vũ Hán. Hoạt động sản xuất đình trệ, hãng này đang cân nhắc chuyển dịch dây chuyền sản xuất các linh kiện sang các địa điểm khác, chẳng hạn như Quảng Châu, Nhật Bản hoặc Việt Nam.

Đối với các sản phẩm chỉ có thể được sản xuất tại nhà máy Vũ Hán, họ đã yêu cầu khách hàng tìm nhà cung cấp khác, vì công ty cũng không biết trong bao lâu mới có thể ổn định sản xuất trở lại.

Nhà sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu, chuyên cung cấp linh kiện từ các nhà máy của chính họ và các đối tác bên ngoài Trung Quốc, đang chuyển dây chuyền sản xuất các bộ phận kim loại được sử dụng trong thân xe cũng như dây an toàn sang Nhật Bản và Việt Nam. Công ty có trụ sở tại Tokyo này cố gắng ngăn chặn sự chậm trễ của việc giao các lô hàng từ Trung Quốc sang các thị trường khác.

Công ty Daikin Industries của Nhật Bản đang xem xét việc chuyển dây chuyền lắp ráp máy điều hòa không khí từ Vũ Hán đến Malaysia hoặc nơi khác. Công ty đã mở lại một phần các nhà máy ở Tô Châu và Thượng Hải sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài theo yêu cầu của chính quyền.

Nhưng nếu Vũ Hán tiếp tục bị cách ly, “chúng tôi sẽ phải giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất” - một giám đốc điều hành cho biết. Các sản phẩm chính như máy nén khí có thể được sản xuất tại Nhật Bản hoặc Thái Lan.

Công ty sản xuất đồ thể thao Asics thì mong muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam và Indonesia để thay thế cho các cơ sở gia công ở Vũ Hán.

Song Hảo

Nên đọc