Dòng vốn FDI vào bất động sản tăng mạnh trong quý 3

(CL&CS) - Trong quý 3, tổng vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản tăng 400% so với quý 2 cho thấy bất động sản vẫn là một kênh hấp dẫn dòng vốn FDI.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đang tăng dần theo quý, từ 0,586 tỷ USD quý 2/2020 đã lên 2,35 tỷ USD, trong quý 3/2020, tăng 400%. 

Như vậy, dù thị trường bất động sản quý 3 chịu tác động kép của COVID-19 đợt 2 và tháng ngâu nhưng tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này vẫn tăng mạnh. 

Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ hai về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế nói chung. Đồng thời, chỉ số này cũng cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ và vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ hai về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bất động sản công nghiệp, thương mại, dịch vụ được cho là điểm sáng trong việc đón làn sóng FDI mới.

Theo Công ty CBRE Việt Nam, các điều luật mới đã mở rộng cửa cho những nhà kinh doanh nước ngoài có quyền sở hữu đầy đủ với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nơi có chi phí vốn thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước láng giềng trong khu vực, điều này sẽ đẩy mạnh hoạt động giao dịch của các nhà máy, kho vận, cơ sở hậu cần và khu công nghiệp.

FDI là nguồn vốn đắc lực cho bất động sản công nghiệp, bên cạnh đó là bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thì quá trình thu hút FDI cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lựa, có tính toán và phù hợp với quy hoạch.

Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản đã bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài. Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.

Ngoài ra, với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, hệ thống giao thông đi lại được cải thiện hơn, chính sách đầu tư thông thoáng và tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam đang có những lợi thế riêng hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong và ngoài nước so với các nước trong khu vực về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

  

TIN LIÊN QUAN