Đại dịch Covid-19 khiến 2020 trở thành một năm đáng nhớ, đáng nhớ theo hướng tiêu cực. Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát Covid-19 thành công.
Trong Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định Việt Nam "có thành tích gần như độc nhất vô nhị trong việc chống lại cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19". Theo đó, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 2,8% trong năm 2020. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu giảm từ 3-4%.
Việt Nam kiểm soát tốt Covid-19 nên nhà đầu tư chứng khoán đặt trọn niềm tin vào thị trường. Sau những lao đao ban đầu, VN-Index sớm lấy lại đà tăng. Sau khi đánh mất mốc 800 điểm, VN-Index nhanh chóng “hồi sinh”. Đóng cửa phiên 22/12, VN-Index dừng ở mức 1.083,45 điểm.
Nhưng quan trọng hơn đà tăng của VN-Index chính là thanh khoản. Dòng tiền chảy vào thị trường là minh chứng cho niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, vào những biện pháp kiểm soát Covid-19 của Chính phủ.
Trong tháng 12 này, sàn TP.HCM liên tục lập các đỉnh mới về thanh khoản. Trong phiên 22/12, kỷ lục một lần nữa được phá. Toàn sàn TP.HCM có tới 756 triệu cổ phiếu, tương đương 14.590 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công. Trước đây, thanh khoản trung bình mỗi phiên chỉ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
Tính từ đầu tháng 12 tới ngày 22/12, chỉ riêng phương thức khớp lệnh, có tới 826 triệu cổ phiếu, tương đương gần 173.000 tỷ đồng được giao dịch thành công. Con số này trong tháng 11 và tháng 10 là 160.000 tỷ đồng và 158.000 tỷ đồng được trao tay.
Còn so với tháng 1/2020, thanh khoản có bước tiến vượt bậc khi tăng 130.000 tỷ đồng, tương đương 300%.
Các chuyên gia cho biết F0 (nhà đầu tư mới) là một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản tăng vọt. Các số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cũng cho thấy điều đó. Trong những tháng gần đây, nhà đầu tư liên tục mở tài khoản mới.
VSD cho biết trong tháng 11 năm nay, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản, vượt qua đỉnh tháng 3/2018 (40.651 tài khoản). Tháng 11/2020 chứng kiến số lượng tài khoản mở mới nhiều nhất lịch sử hơn 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lũy kế tới hết tháng 11/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,71 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số Việt Nam.
Niềm tin của nhà đầu tư đang lên cao. Vì vậy, dòng tiền vẫn được đánh giá là tiếp tục ở lại với chứng khoán, từ đó giúp chỉ số VN-Index dễ dàng vượt xa mốc 1.000 điểm.
Công ty chứng khoán Vndirect tin rằng khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán có thể tăng 12-14% trong năm 2021. Thanh khoản duy trì ở mức cao nhờ các yếu tố sau.
Thứ nhất, theo Vndirect, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2021.
Thứ hai, Luật Chứng khoán sửa đổi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Thứ ba, dòng vốn nước ngoài từ các quỹ thị trường cận biên đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi Việt Nam được MSCI nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên trong năm 2021.
Vì vậy, Vndirect dự báo VN-Index sẽ cán mốc 1.180 điểm trong năm 2021 dựa trên P/E 15,9 lần và tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường 23%. Các lựa chọn ưa thích của Vndirect là VHM, MWG, HPG, VPB, TCB, SCS, ACV và FPT.
Rủi ro giảm giá đối với thị trường gồm diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và sự hồi phục lợi nhuận chậm hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp niêm yết. Động lực tăng giá bao gồm việc triển khai sử dụng vaccine đại trà sớm hơn kỳ vọng và Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI sớm hơn dự kiến.