Ngày 30/12, tại kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Đồng Nai năm 2019, các đại biểu tham dự đã xem xét và thông qua Nghị quyết về bảng giá đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2024.
Theo Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2015-2019, giá đất thị trường tại Đồng Nai biến động rất lớn so với giá đất quy định, tăng từ 3-10 lần. Riêng giá đất nông nghiệp đã tăng so với khung giá đất của tỉnh khoảng 10 lần. Do đó, bình quân giá đất trong giai đoạn 2020 - 2024 của tỉnh sẽ tăng từ 30-35%. Tuy nhiên, tại một số khu vực giá đất sẽ tăng từ 4 - 6 lần.
Trong giai đoạn 2015-2019, giá đất thị trường tại Đồng Nai biến động rất lớn so với giá đất quy định, tăng từ 3-10 lần. |
Qua điều tra giá đất giao dịch trên thị trường của gần 9.000 trường hợp trong cuối năm 2019 thì giá đất nông nghiệp trong tỉnh có mức giao dịch cao nhất là gần 10 triệu đồng/m2, thấp nhất là 23.000 đồng/m2 tùy theo từng khu vực. Tại một số vị trí, giá đất mà người dân tự chuyển nhượng đã cao hơn khoảng 10 lần so với khung giá tối đa của Chính phủ.
Những địa phương có giá đất nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua là các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP Biên Hòa và TP Long Khánh. Trong đó, giá đất cao nhất lên đến 110 triệu đồng/m2 (TP.Biên Hòa), thấp nhất khoảng 150.000 đồng/m2 (huyện Định Quán).
Theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, bảng giá đất giai đoạn 2015-2019 hết hạn vào ngày 31/12/2019; đồng thời do giá đất thị trường biến động tăng rất lớn so với giá đất quy định nên bảng giá đất giai đoạn 2015-2019 không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh.
Bảng giá đất tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2024 tăng rất cao so với bảng giá đất hiện hành, nhưng vẫn cách xa so với giá đất thị trường. Tuy nhiên, giá đất tại các khu vực, vị trí, đoạn đường, tuyến đường đã được rà soát, đối chiếu trên mặt bằng chung để đảm bảo sự phù hợp trong toàn tỉnh, cũng như phù hợp với khung giá đất do Chính phủ quy định.
Đối với giá đất nông nghiệp, mức tăng cao nhất là các xã thuộc địa bàn các huyện Trảng Bom (tăng 2,2 - 3 lần), Thống Nhất (2,5 - 3 lần), Xuân Lộc (3 - 4 lần), Cẩm Mỹ (2,8 - 3,2 lần). Đất nông nghiệp tại các phường cũ của TP Biên Hòa có tỷ lệ tăng thấp nhất (từ 6-29%), các phường mới có mức tăng cao nhất là 4,3 lần.
Nhóm đất phi nông nghiệp cũng được điều chỉnh tăng giá ở hầu hết các khu vực, vị trí, tuyến đường. Trong đó, đất ở tại đô thị được bổ sung thêm 14 tuyến đường mới, đưa tổng số tuyến đường đô thị quy định trong bảng giá đất là 510 tuyến đường. Giá đất tại các tuyến đường tăng phổ biến từ 1,5 đến 3 lần so với giá hiện hành. Đường 30-4 của TP Biên Hòa có mức giá cao nhất là 40 triệu đồng/m2 và thấp nhất 160.000 đồng/m2.
Giá đất nông thôn tại các tuyến đường thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ đều tăng ít nhất là 1,2 lần. Đất thương mại, dịch vụ được tính tương ứng với 70% giá đất ở cùng khu vực, vị trí, tuyến đường...
Khánh Chi