Tính đến hết năm 2024, cả nước có 278/304 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung theo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, đạt tỷ lệ 91%. Riêng với Đồng Nai, tỷ lệ này là 100%.
Việc đầu tư trạm xử lý, nâng công suất theo tiến độ thu hút dự án thứ cấp
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện tỉnh có 32 KCN đang hoạt động. Trong đó, 31 KCN có trạm xử lý nước thải tập trung (riêng KCN Biên Hòa 1 chuyển nước thải về trạm xử lý của KCN Biên Hòa 2). Như vậy, 100% KCN có hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo tiêu chuẩn. Việc này đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường của tỉnh và là điều kiện đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động.
Phó giám đốc Công ty CP KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom) Hồ Ngọc Duy cho biết, KCN đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 trạm xử lý nước thải tập trung với công suất 7 ngàn m3/ngày đêm, đảm bảo tiếp nhận, xử lý nước thải cho hơn 110 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu. Tại đây, nước thải được xử lý theo quy trình để đạt giới hạn cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp). Bên cạnh việc cử cán bộ môi trường theo dõi thường xuyên, trạm xử lý còn có hệ thống quan trắc tự động kết nối với Sở Tài nguyên và môi trường phục vụ mục đích giám sát.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Minh Trí, cán bộ môi trường Công ty CP Phát triển KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom), cho hay KCN hiện có 69 cơ sở hoạt động, trong đó chỉ một cơ sở không đưa nước thải về trạm xử lý tập trung. Năm 2024, KCN đã ký hợp đồng với một đơn vị để nâng cấp công nghệ, cải tạo hệ thống nhằm tăng công suất xử lý nước thải từ 4-5 ngàn m3/ngày đêm để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Việc này sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Bên cạnh việc đầu tư trạm xử lý, nâng công suất theo tiến độ thu hút dự án thứ cấp, các KCN đã thực hiện quy định lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải và kết nối dữ liệu về cơ quan chức năng phục vụ mục đích theo dõi, giám sát theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Hướng đến mô hình khu công nghiệp xanh, sinh thái
Nước thải công nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất, không khí. Vì vậy, nội dung ngăn ngừa xả thải không đúng quy định ra môi trường, tăng cường kiểm soát chất lượng nước thải, chia sẻ thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường đã được đưa vào chương trình hợp tác của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ năm 2025.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đều có nhiều KCN, khu chế xuất. Việc kiểm soát chặt chẽ nước thải, khí thải, chất thải rắn từ các KCN có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng. Các địa phương cần tăng cường hợp tác trong quản lý, bảo vệ và chia sẻ thông tin kết quả quan trắc môi trường để có những giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức thông tin, hiện 100% KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Nước thải sau xử lý được giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, đủ tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường. Theo kết quả quan trắc, chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh được cải thiện qua từng năm.
Tỉnh đang phối hợp với các cơ quan trung ương triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi KCN Amata thành KCN sinh thái. Kết quả này là tiền đề để chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái, cũng như đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới trên địa bàn tỉnh.
Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện 2 chỉ tiêu liên quan đến môi trường KCN là: 100% KCN hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung và 100% KCN có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải theo quy định. Để thực hiện các chỉ tiêu này, tỉnh giao Ban Quản lý các KCN Đồng Nai chủ trì kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các KCN; đôn đốc, kiểm tra việc đấu nối nước thải của các doanh nghiệp trong KCN. Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì kiểm tra, giám sát nước thải sau xử lý; đôn đốc việc lắp đặt quan trắc tự động nước thải.
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ở các KCN, tại Hội nghị Giao ban Đề án Giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024, về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư KCN Hàng Gòn và 3 cụm công nghiệp: Hàng Gòn, Quang Trung 1, Quang Trung 2 theo chuẩn khu, cụm công nghiệp xanh, sinh thái. Các KCN hiện hữu cũng từng bước chuyển đổi mô hình, đầu tư hạ tầng, công nghệ số để đáp ứng tiêu chí net zero.