Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một trong những “điểm nghẽn” hiện nay chính là vấn đề hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khả năng kết nối liên vùng. Đó không chỉ là nỗi lo riêng của các tỉnh ĐBSCL...
Từ khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí 10.607 tỷ đồng để triển khai các dự án cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, quốc lộ 57 Bến Tre - Vĩnh Long, quốc lộ 53 Trà Vinh - Long Toàn, quốc lộ 30 Cao Lãnh - Hồng Ngự... Nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng chưa đủ!
Ông Nguyễn Chí Dũng lấy dẫn chứng ĐBSCL vẫn chưa có cảng nước sâu, chưa có đường sắt, đường thủy phát triển còn manh mún và chủ yếu chỉ khai thác đường bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra đề xuất 45.000 tỷ đồng phân bổ thêm cho ĐBSCL trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách. Bên cạnh đó, bộ này đề nghị nên thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ. Thành viên Hội đồng gồm lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và lãnh đạo các bộ ngành trung ương. Hội đồng này có nhiệm vụ chính phối hợp các địa phương để thực hiện quy hoạch vùng, liên kết vùng. Đồng thời tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
Từ lâu, hạ tầng của ĐBSCL và hệ thống giao thông kết nối với khu vực TP.HCM , Đông Nam bộ luôn được xem rất cấp bách và quyết định sự phát triển của nơi chiếm hơn 20% GDP của cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Nói đến ĐBSCL là nói đến bức tranh về hạ tầng. Tôi nghĩ để ĐBSCL phát triển cần có sự cộng hưởng giữa cơ sở hạ tầng hoàn thiện với sự chuyển đổi nền kinh tế và vấn đề quan trọng nhất là sớm có sự định hướng”.
Ảnh minh họa |
Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định: “Việc triển khai chậm về hạ tầng giao thông là trở lực lớn nhất cho sự phát triển kinh tế không chỉ ở ĐBSCL mà cả ở TP.HCM. Thời gian qua, ĐBSCL và TP.HCM đóng góp khoảng 42% GDP nhưng việc đầu tư hạ tầng giao thông chỉ khoảng 20-25%”. Giải quyết được “điểm nghẽn” này, không chỉ ĐBSCL chuyển mình, phát triển tương xứng với tiềm năng mà cả nước cũng sẽ hưởng lợi không nhỏ.
Chính phủ đã thấy rõ, các tỉnh ĐBSCL đang có nhu cầu cấp thiết và các bộ, ngành cũng bắt đầu vào cuộc. Thủ tướng khẳng định: “Dứt khoát phải đẩy nhanh việc hoàn thiện sớm các dự án đã được quy hoạch. Cái gì chưa làm được phải làm cho được, làm cho xong tuyến đường TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020-2021. Năm nay sẽ ưu tiên, dồn sức làm dứt điểm cho xong”.
Riêng ngành giao thông, nơi “điều phối” chính và thực hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thay đổi hạ tầng ĐBSCL thì sao? Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Văn Thể cho biết, ngành sẽ tập trung tăng sự kết nối giữa TP.HCM với ĐBSCL và giữa ĐBSCL với Campuchia. Trong đó sẽ ưu tiên đầu tư đẩy nhanh tiến độ cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; mở rộng quốc lộ 60 cùng với xây dựng mới cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi để hình thành trục phía Đông; đầu tư nâng cấp tuyến đường N2 qua vùng Đồng Tháp - tứ giác Long Xuyên.
Ngoài ra, những công đoạn chuẩn bị đang dần hoàn tất để xây dựng tuyến cao tốc từ Trà Vinh - Tiền Giang - Đồng Tháp nối qua Campuchia (giúp kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận - Cần Thơ); cao tốc nối từ Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang - Campuchia và cao tốc Bạc Liêu - Kiên Giang - Campuchia. Đầu tư vành đai 3 và vành đai 4 trên địa bàn TP.HCM kết nối ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ... Tổng cộng 32 dự án với vốn đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng đang được xúc tiến, nghiên cứu, thi công nhằm xóa dần những “điểm nghẽn” ở ĐBSCL.
Nếu các dự án , quyết tâm trên được triển khai đúng hạn trên thực tế, 10-15 năm nữa bộ mặt hạ tầng của ĐBSCL sẽ thay đổi đáng kể và tiềm năng của khu vực kinh tế năng động này sẽ được phát huy đúng mức. Lúc ấy không chỉ những “điểm nghẽn” về hạ tầng mà cả những vướng mắc, bất cập về kinh tế, văn hóa, xã hội... sẽ dần được thu hẹp giữa ĐBSCL và các vùng khác trong cả nước.
Phan Nguyễn