Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã tiến hành sa thải nhân sự. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Hiện tại tình hình dịch bệnh tại các thị trường như Mỹ, châu Âu vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Đây lại là các thị trường truyền thống nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nên hiện nay lượng đơn hàng sang các thị trường này giảm mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt.
Việc thiếu hụt thậm chí không có đơn hàng đã khiến các doanh nghiệp sa thải bớt lượng công nhân. Đơn cử như công ty gia công giày da lớn bậc nhất TP.HCM là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang thực hiện phương án cắt giảm 6.000 nhân sự trong tổng 60.000 nhân sự hiện có của công ty này.
Tính đến hiện tại doanh nghiệp này đã cắt giảm gần 3.000 nhân sự và theo lộ trình từ nay đến tháng 8 sẽ tiếp tục cắt giảm 3.000 nhân sự.
Ông Củ Phát Nghiệp Chủ tịch Công đoàn công ty PouYuen thông tin, từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp luôn bị giảm đơn hàng. Đặc biệt, trong tháng 6, lượng đơn hàng giảm đến 50% và tỷ lệ này tăng dần lên trong tháng 7,8,9. Riêng quý IV, công ty vẫn chưa có đơn đặt hàng nào từ đối tác. Ông Nghiệp cho biết thêm, công ty đang cố gắng để chăm lo đời sống công nhân tốt nhất, nhưng hiện chỉ có đơn đặt hàng cũ trong khi rất ít đơn mới nên đã ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nhân công.
Bên cạnh PouYuen, nhiều công ty nhỏ trên địa bàn TP.HCM cũng chịu tác động không hề nhỏ. Theo khảo sát của VietnamWorks với 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc mới đây cũng cho thấy, trong dịch bệnh và sau giãn cách xã hội, có gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh.
Đặc biệt, nhóm chịu tổn thương do Covid-19 chiếm 40%, trong đó 30% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các công ty chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp FDI là đối tượng chủ yếu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, với 39,6%. Nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ lệ trên tăng lên mức 56,9%. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc và da giày bị tác động lớn nhất, khi thiếu hụt lần lượt 70,3% và 71%.
Nguyễn Ngọc