Doanh nghiệp ứng phó với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu

(CL&CS)- Nhằm ứng phó với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đang chủ động tiết giảm chi phí, bao gồm cả việc cắt giảm nhân lực ở những vị trí không cần thiết để tiết giảm chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động.

Mới đây, giá xăng dầu trong nước vượt mốc 31.000 đồng/lít đã đẩy giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng phi mã, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp về vận tải cho biết: “Suốt hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi gần như đóng băng mọi hoạt động. Đến nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp dần hoạt động bình thường trở lại thì giá xăng dầu lại tăng cao. Trong khi đó, chúng tôi không thể tăng giá quá cao vì dễ mất khách. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”.

Giá xăng tăng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Ảnh minh họa.

Nhằm ứng phó với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đang chủ động tiết giảm chi phí, bao gồm cả việc cắt giảm nhân lực ở những vị trí không cần thiết để tiết giảm chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động. 

Theo dự báo, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, cộng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ kéo theo giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu sẽ gia tăng.

Để khắc phục tình trạng tăng giá nguyên liệu, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, thời gian tới, bên cạnh sự chủ động ứng phó của doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có giải pháp kịp thời, linh hoạt, theo sát và thích ứng ngay với những diễn biến phức tạp, khó lường của nền kinh tế. 

Trong đó, cần có những chính sách đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng, vì năng lượng là yếu tố đầu vào rất quan trọng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có biện pháp, chính sách đảm bảo nguồn cung năng lượng, phục vụ cho sản xuất và lưu thông, trong đó chú trọng và sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, có chính sách điều tiết hợp lý trong từng giai đoạn cụ thể.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, điều quan trọng là cần xem xét, phân tích và dự báo chi tiết khả năng biến động về giá của từng loại nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào thiết yếu với nền kinh tế để có cách ứng phó phù hợp.

Do giá cả tăng có thể tạo áp lực lạm phát nên các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động theo dõi và điều tiết chính sách tài khóa-tiền tệ kịp thời có thể hỗ trợ kiểm soát giá cả hàng hóa, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh vấn đề tăng giá nguyên vật liệu, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp hiện còn phải đối mặt với việc khan hiếm nguồn nguyên liệu cung ứng để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, do ảnh hưởng nguồn cung từ xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chậm lại và lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh, điều đó sẽ tạo ra sức ép tăng giá đối với các mặt hàng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của danh nghiệp và nền kinh tế.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, Bộ Công thương cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh nhập khẩu từ các thị trường đã có FTA, từ đó giảm giá thành, gỡ khó cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

TIN LIÊN QUAN