Doanh nghiệp startup nên gọi vốn từ đâu?

(NTD) - Vốn kinh doanh luôn là vấn đề gay go của doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Bởi vậy, hơn 50 doanh nghiệp startup trong buổi gặp gỡ chiều 30/9 do SaigonBizhub tổ chức đều loay hoay với chuyện tìm vốn. Ngoài ra, nên bán bao nhiêu cổ phần cho nhà đầu tư khi gọi vốn cũng là chuyện được mổ xẻ nhiều nhất.

Ông Christian Leitzinger, CEO Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên chia sẻ kinh nghiệm riêng rằng, nếu muốn tìm nhà đầu tư phải xây dựng mối quan hệ (networking) trước.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp lúc nào cũng đắn đo chuyện gọi vốn. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần tìm nhà đầu tư rót vốn. Bà Bùi Lệ Phương, Giám đốc Công ty Centax - chuyên tư vấn các vấn đề tài chính cho doanh nghiệp cho rằng, nếu không cần nhiều tiền thì startup nên đi vay ngân hàng. “Còn nếu cần nhiều vốn thì nên tìm nhà đầu tư. Nhưng phải chấp nhận chia sẻ quyền kiểm soát doanh nghiệp’’.

Ông Robert Trần, CEO Công ty Robenny khu vực Mỹ, Canada và châu Á khái quát, doanh nghiệp thường phát triển qua 4 giai đoạn. Đó là giai đoạn ý tưởng, kiểm nghiệm thị trường, mở rộng và đa ngành. Trong đó, giai đoạn ý tưởng tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết nhất. Giai đoạn 4 chưa có doanh nghiệp đúng nghĩa ở Việt Nam. Chủ yếu do chủ doanh nghiệp vẫn còn loay hoay với định hướng phát triển hoặc vấn đề nhân sự quản lý.

Đầu tư cho giai đoạn ý tưởng hàm chứa rất nhiều rủi ro. Do đó, startup nên tìm vốn từ gia đình và bạn bè, hoặc nhà đầu tư thật sự đam mê với lĩnh vực mà họ kinh doanh. Nếu tìm quỹ đầu tư, phải có “thỏa thuận mất tiền” rõ ràng. “Quỹ đầu tư phải chấp nhận rủi ro trong giai đoạn này. Không có sự hứa hẹn nào ở đây cả” - ông Robert Trần kết luận. Sự yêu cầu này là công bằng, không ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công khi gọi vốn.

Một số startup cho rằng, vì cần vốn nên có khi phải nhún nhường với quỹ đầu tư nên dễ bị chịu thiệt trước các quỹ. Ông Robert Trần cho biết, giống việc đi vay ngân hàng, ngày xưa doanh nghiệp phải cầu cạnh. Nhưng hiện tại các startup nên nhìn nhận vai trò ngang bằng với các quỹ. Thực ra, các quỹ cũng là nhà môi giới chứ không phải tiền túi của họ. Theo vị này, không hẳn quỹ đầu tư nào cũng là thiên thần. Tại Việt Nam, nhiều quỹ có đội ngũ chuyên đi tìm hiểu các startup để ăn cắp ý tưởng.

Tỷ lệ gọi vốn cho giai đoạn này cũng rất vô chừng, dù ở Mỹ, mức cao nhất có thể lên đến 1 triệu USD. Thực tế nhiều quỹ ở Việt Nam, chỉ rót vài ngàn USD, tương đương vài chục triệu đồng cho giai đoạn này. Khi chọn nhà đầu tư, startup cần tìm một trong ba loại đối tác sau: Người cùng ngành để hiểu mình đang làm gì, người có thể truyền cảm hứng và người hiểu được các thách thức của việc kinh doanh đó.

Trong giai đoạn kiểm nghiệm thị trường, startup nên tìm nhà đầu tư cùng ngành. Nếu chọn quỹ đầu tư, startup nên tìm đến các quỹ đầu tư mạo hiểm để huy động được số vốn lớn. Tuy nhiên, ông Robert Trần khuyên, chủ doanh nghiệp nên tận dụng sự hỗ trợ từ các đối tác trong giai đoạn này. Chẳng hạn có thể thỏa thuận trả sau hoặc trả chậm với nhà cung cấp, hoặc liên kết mua hàng lẫn nhau để đỡ tiêu hao nguồn vốn.

Trước lời khuyên tận dụng mối quan hệ với các nhà cung cấp và đối tác, ông Hồ Lê Xuân Nam, Giám đốc Công ty Biomass Nam Long chuyên sản xuất nhiên liệu sinh khối lo lắng startup dễ bị công ty lớn “nuốt” luôn vì bị ăn cắp bí quyết. Ông Robert Trần gợi ý, chủ startup phải xác định mình đang kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp hay kinh doanh chính doanh nghiệp của mình. “Nếu bán được doanh nghiệp với giá tốt thì nên bán để làm cái khác” - ông nhận xét.

Thật ra, startup ở giai đoạn mở rộng như Biomass Nam Long cũng cần quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn. Giai đoạn này doanh nghiệp vừa sản xuất vừa điều chỉnh, có thể tăng trưởng doanh thu hoặc chưa có lợi nhuận, cần mở rộng sản xuất. Chủ doanh nghiệp nên khảo sát kỹ để tìm nhà đầu tư có đạo đức kinh doanh tránh trường hợp bị mất doanh nghiệp như Bệnh viện Hoàn Mỹ hay thương vụ của Công ty Ba Huân gần đây.

Ngoài vấn đề tìm vốn ở đâu, các startup cũng khá “ngơ ngác” với chuyện tìm nhà đầu tư. Thực tế việc này không dễ ở Việt Nam. Tại Singapore đã có ứng dụng hỗ trợ liên kết các startup và nhà đầu tư nhưng Việt Nam thì chưa. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, startup có thể liên kết với các doanh nghiệp của 69 hội và câu lạc bộ ngành nghề của đơn vị này. Ngoài ra, chủ startup nên thường xuyên đến các phiên chợ đầu tư để kết nối.

Ông Christian Leitzinger, CEO Công ty Bánh kẹo Phạm Nguyên chia sẻ kinh nghiệm riêng rằng, nếu muốn tìm nhà đầu tư phải xây dựng mối quan hệ (networking) trước. Trong thời gian Phạm Nguyên gặp khó khăn, CEO đi gặp rất nhiều người, kể cả đối thủ. Ông Christian Leitzinger bỏ ra 2 năm đề tìm nhà đầu tư, sau đó lọc nhà đầu tư mất 1 năm nữa. Nhờ chia sẻ và chịu lắng nghe, trong 7 năm điều hành, ông đã đưa giá trị công ty tăng gấp 8 lần. “Đừng ngại bị từ chối” - ông Christian Leitzinger chia sẻ.

Dương Nguyễn

 
Nên đọc