Doanh nghiệp ngành sân bay vẫn lao đao vì Covid-19

(CL&CS) - Sau hơn một năm rưỡi đại dịch Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp ngành sân bay vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, du lịch, hàng không, sân bay là những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên, sâu rộng và lâu dài nhất. Sau hơn một năm rưỡi, doanh nghiệp ngành sân bay vẫn đối diện với muôn vàn khó khăn.

Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) là một trong những doanh nghiệp khá nổi tiếng trên thị trường chứng khoán. MAS nổi tiếng vì “bé hạt tiêu" - vốn thấp nhưng liên tục chi trả cổ tức. Có được điều đó, MAS đã liên tục đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn rất cao.

Sau hơn một năm rưỡi đại dịch Covid-19 hoành hành, doanh nghiệp ngành sân bay vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Tuy nhiên, từ khi Covid-19 xuất hiện, MAS liên tục rơi vào tình cảnh thua lỗ. Trong 3 quý đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế của MAS là con số âm. Quý 4/2020, dù lãi gần 980 triệu đồng nhưng tính cả năm 2020, công ty vẫn lỗ hơn 11 tỷ đồng.

Sang quý 1/2021, tình hình không những không được cải thiện mà còn bi đát hơn. Theo báo cáo tài chính quý 1/2021, trong kỳ, công ty lỗ đến 3,1 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 1,1 tỷ đồng của quý 1/2020.

MAS thua lỗ khi doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ “rơi tự do”, từ 44,6 tỷ đồng xuống 19,7 tỷ đồng. Trong kỳ, MAS đã nỗ lực cắt giảm rất nhiều chi phí. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 3,9 tỷ đồng xuống chỉ còn 2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí tài chính lần lượt giảm từ 1,6 tỷ đồng xuống 1,1 tỷ đồng và từ 714 triệu đồng xuống 452 triệu đồng.

Thua lỗ triền miên nên MAS rơi vào tình cảnh âm dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là âm 1,6 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Doanh thu quý 1/2021 chỉ là 13,5 tỷ đồng, giảm 36,1 tỷ đồng, tương đương 72,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giống như MAS, CIA nỗ lực cắt giảm từ 40% tới 50% các loại chi phí nhưng CIA vẫn lỗ tới 13,6 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, CIA chỉ lỗ 2,9 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 1/2021, CIA đạt 19,4 tỷ đồng lỗ luỹ kế.

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) gắn liền với tên tuổi của vua hàng hiệu Jonnathan Hạnh Nguyễn. Đại dịch Covid-19 nhiều lần khiến sân bay phải “đóng băng”. Vì vậy, dù có nhiều lợi thế nhưng SAS không thể tránh cảnh doanh thu lao dốc.

Doanh thu quý 1/2021 của SAS đạt 109 tỷ đồng, giảm 414 tỷ đồng, tương đương 79,2% so với quý 1/2020. Kết quả là lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SAS chỉ còn 55,3 tỷ đồng, giảm 178,7 tỷ đồng, tương đương 76,4%.

Để “cứu” lợi nhuận, SAS mạnh tay cắt giảm hầu hết các chi phí quan trọng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 30,4 tỷ đồng, tương đương 63,2% xuống 17,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 145 tỷ đồng, tương đương 80% xuống 36 tỷ đồng; chi phí tài chính là chi phí duy nhất tăng từ 7,5 tỷ đồng lên 15,4 tỷ đồng.

Nỗ lực cắt giảm chi phí chỉ đủ giúp SAS thoát lỗ, chứ không thể mang lại đà tăng trưởng dương về lợi nhuận. Quý 1/2021, lợi nhuận sau thuế của SAS đạt 12,7 tỷ đồng, giảm 3,1 tỷ đồng, tương đương 19,6%.

Do vẫn chưa vượt khó khăn nên trong 5 tháng đầu năm nay, dù thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh, các cổ phiếu sân bay vẫn suy giảm.

Đóng cửa phiên 28/5, SAS dừng ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu, giảm 5.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 16,7% so với phiên cuối cùng của năm 2020. Cổ phiếu NAS giảm từ 36.500 đồng/cổ phiếu xuống 35.200 đồng/cổ phiếu. CIA giảm từ 13.770 đồng/cổ phiếu xuống 11.000 đồng/cổ phiếu.

TIN LIÊN QUAN