Doanh nghiệp mía đường Việt Nam thắng lớn

(CL&CS) - Giá tăng và các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường Thái Lan nhập khẩu đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước giành lại thị phần, mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn.

Doanh nghiệp mía đường lãi đậm

Hiện các công ty mias đường đã có báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 niên vụ 2021-2022 (giai đoạn từ 1/7/2021 đến 30/9/2021). Theo báo cáo, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa - TTC Sugar (mã: SBT) có doanh thu thuần đạt 4.312 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ niên vụ trước. Lợi nhuận trước thuế 262 tỷ đồng, tăng 96% so với quý cùng kỳ năm trước, hoàn thành 35% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 195 tỷ, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ niên vụ 2020-2021. 

Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã: LSS) có doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 146,4 tỷ đồng và 33,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 34,7% và 129,4% so với cùng kỳ niên độ 2020-2021.

Công ty Mía đường Sơn La ( HNX: SLS ), thông tin giá đường trên thị trường thế giới tăng giúp giá bán sản phẩm đường quý này tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, doanh thu đạt 146 tỷ đồng, tăng 35%; lãi sau thuế 33 tỷ đồng, gấp 2,3 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 33,56%, tăng so với mức 20,5% cùng kỳ.

Mía đường Sơn La sở hữu vùng nguyên liệu có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi cho mía có chữ đường cao nên giá thành sản xuất đường của doanh nghiệp thấp, biên lợi nhuận cao so với các doanh nghiệp khác.

Diện tích vùng nguyên liệu dự kiến tăng thêm 20% trong niên vụ 2021-2022 lên khoảng 9.300ha. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco),hiện Công ty cổ phần Mía đường Sơn La là doanh nghiệp đường duy nhất trên sàn được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một đơn vị khác trong ngành là CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS, có niên độ tài chính 1/1/2021-31/12/2021) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với doanh thu đạt 2.114,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 348,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,6% và 49,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 31,9% lên 34,1%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, QNS ghi nhận doanh thu đạt 5.776,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 869,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,4% và 29,7% so với cùng kỳ. Trong năm 2021, QNS đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 913 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, công ty hoàn thành được 95,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Agriseco dự báo giá đường trong nước hiện đang cao nhất trong 4 năm qua và dự báo giá sẽ tiếp tục tăng, giữ ở mức cao trong thời gian tới

Kỳ vọng tăng trưởng dài hạn

Agriseco cho biết, các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường Thái Lan nhập khẩu tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn.

Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước cũng đang giảm khi diện tích và sản lượng mía giảm nhiều trong những năm qua, dẫn tới việc 17/41 nhà máy đã đóng cửa hoặc phá sản trong các năm gần đây (theo số liệu của Hiệp hội mía đường Việt Nam - VSSA), sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đường có vùng nguyên liệu lớn trong ngành. 

Agriseco dự báo giá đường trong nước hiện đang cao nhất trong 4 năm qua và dự báo giá sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới. Qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.

Vừa qua, VSSA dự báo niên vụ 2021-2022 sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Ngày 21/9, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2171/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Còn theo số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng đường xuất khẩu của Thái Lan sang một số nước ASEAN đang tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Campuchia tăng 28,6%, Malaysia tăng 10,5%, Lào tăng 12,2%.

Do đó, nhiều ý kiến lo ngại Thái Lan đang mượn xuất xứ các nước trong khu vực để xuất khẩu đường sang Việt Nam nhằm né thuế CBPG và CTC.

TIN LIÊN QUAN