Doanh nghiệp mía đường lại điêu đứng vì đường nhập lậu

(CL&CS) - Doanh nghiệp mía đường tiếp tục rơi vào khó khăn, và có nguy cơ phá sản vì tình trạng này vì đường nhập lậu.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đến cuối tháng 4/2021 toàn ngành mía đường đã ép được gần 6,3 triệu tấn mía, sản xuất được 661.712 tấn đường. Ước tính sản lượng đường của vụ 2020/21 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn. Là mức thấp kỷ lục về sản lượng.

Tuy sản lượng đường trong nước giảm mạnh, nhưng việc tiêu thụ lại đang rất khó khăn, bởi sự cạnh tranh gay gắt của đường ngoại trên thị trường nội địa. Trong tháng 4/2021 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục khống chế thị trường.

Đặc biệt, khối lượng đường nhập khẩu gia tăng đột biến từ một số quốc gia ASEAN (Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia) nhờ ưu đãi thuế giá rẻ (thuế chỉ có 5%) đang khiến ngành đường trong nước thoi thóp. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước ASEAN gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam khoảng 188.202 tấn, tăng tới 5.735% so với cùng kỳ năm 2020.

VSSA cho biết: "Cả Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia không phải là quốc gia sản xuất đủ đường mà nhập khẩu đường Thái Lan là chính. Lượng đường bùng nổ nhập khẩu sau khi áp thuế có hiệu lực về bản chất vẫn là đường Thái Lan, nhưng vẫn được hưởng thuế theo ATIGA ở mức 5%, và đó là nguyên nhân lý giải lượng đường nhập khẩu vẫn tăng cao sau quyết định áp thuế có hiệu lực".

Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu sẽ lũng đoạn giá đường trong nước. Doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn, và có nguy cơ phá sản vì tình trạng này. ảnh: ST

Theo VSSA, thực chất đây là dấu hiệu của việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bởi, cả 5 nước trên đều nhập khẩu đường từ Thái Lan, đồng thời lượng đường xuất vào Việt Nam của các nước trên đều liên quan đến xuất xứ Thái Lan.

Cũng theo VSSA, trước tình trạng trên, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ đường với mặt bằng giá mới đang không thể thực hiện do sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, vấn đề lớn nhất thời điểm này là việc kiểm soát đường nhập lậu.

Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước. Doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn, và có nguy cơ phá sản vì tình trạng này.

Cùng với đó, cần phải kiểm soát, xử lý tận gốc nạn buôn lậu đường đang ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Vì đường lậu  trốn thuế tràn vào không chỉ ảnh hưởng đến nông dân, doanh nghiệp mà còn tác động xấu lên thị trường, phá hoại nền kinh tế.

Ngành mía đường cũng cần phải khẩn trương tái cơ cấu đổi mới toàn diện nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, sớm hiện đại hóa các nhà máy, đa dạng các sản phẩm, phụ phẩm từ bã mía như điện, phân bón…

Muốn vậy, Nhà nước cần sớm xây dựng ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo hộ, vay vốn, thuế và các điều kiện thiết yếu cho nhà máy đường và người trồng mía…; tiếp tục kiểm soát nhập khẩu, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn một cách hiệu quả, triệt phá, xử lý nghiêm buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là mặt hàng đường từ Thái Lan và các nước tuồn vào Việt Nam, kiểm soát thị trường nội địa…

  

TIN LIÊN QUAN