Doanh nghiệp gặp khó khi chi phí cảng biển tăng

(CL&CS) - Nhiều hiệp hội kiến nghị TP.HCM xem xét giãn thời hạn áp dụng thu phí cảng biển, giảm phí cho các trạm thu phí trên địa bàn để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh tác động kép của dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng cao, giờ bị thu thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM bắt đầu thử nghiệm thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 15/6, sau đó sẽ thu phí chính thức từ 0giờ00 ngày 1/7/2021.

Thống kê từ Sở cho biết, tổng lượng hàng hóa đóng trong container qua khu vực cảng biển TP.HCM năm 2019 khoảng 5.383.936 TEU (không bao gồm vận chuyển nội địa), trong đó, Tân Cảng - Cát Lái là 5.239.996 TEU (97% khối lượng hàng container của cả TP), hằng năm sẽ thu khoảng 3.201 tỷ đồng cho ngân sách TP.

Đối tượng và phạm vi áp dụng bao gồm: tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu qua các cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.

Các trường hợp được miễn thu phí gồm: hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Mức phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM sẽ áp thấp nhất là 15.000 đồng một tấn và cao nhất là 4,4 triệu đồng một tấn, tùy theo chủng loại hàng hóa và container.

Trong khi TP.HCM khẳng định, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển được dùng để đầu tư xây dựng, sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, cải thiện các trục đường gần cảng thì các doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu lớn cho rằng, việc thu phí này tạo ra nhiều điểm bất hợp lý và giảm tính cạnh tranh khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Do đó, hầu hết doanh nghiệp cho rằng chưa nên thu mức phí này trong năm nay.

VASEP lý giải, việc thu phí này khiến phí chồng phí, doanh nghiệp sẽ phải trả phí lên tới hàng tỷ đồng/năm (Ảnh: minh họa)

Chia sẻ mới đây, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nêu quan điểm: "Đồng ý là đã đầu tư thì phải thu phí nhưng trong lúc doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19, chi phí logistics còn rất cao như hiện nay thì cần có sự linh hoạt điều chỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp".

Trong bối cảnh giá cước vận chuyển container trên thế giới tăng đột biến, cộng thêm tình trạng thiếu container rỗng kéo dài từ cuối năm 2020 đến nay khiến chi phí thuê container tăng vọt, việc thu phí hạ tầng vào thời điểm này càng cần phải cân nhắc.

Ông Chu Tiến Dũng cũng cho biết đã kiến nghị UBND TP xem xét hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của hầu hết doanh nghiệp. Trong đó, kiến nghị thành phố xem xét giãn thời hạn áp dụng thu phí cảng biển, giảm phí cho các trạm thu phí trên địa bàn.

Trước đó, vào cuối tháng 4, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng có gửi Bộ Tư pháp một loạt kiến nghị, trong đó, có đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ yêu cầu TP.HCM xem xét không thu các loại phí hạ tầng, công trình dịch vụ công ích tại khu vực cửa khẩu và cảng biển trong giai đoạn kinh tế khó khăn do tác động của đại dịch.

Cụ thể, thành phố có thể xem xét không thu phí đến hết ngày 31/12/2021. Đồng thời, điều chỉnh các mức thu trên giảm xuống theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp cho ngân sách thành phố. Song song đó, VASEP cũng đề nghị TP.HCM cần công khai minh bạch các khoản thu và chi vào các công trình.

Theo lý giải của VASEP, việc thu phí này khiến phí chồng phí, doanh nghiệp sẽ phải trả phí lên tới hàng tỷ đồng/năm. Chẳng hạn như doanh nghiệp thủy sản Khánh Hòa, mỗi năm xuất 3.000 container thì phải trả tới 5,5 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền phí trạm BOT mỗi năm là 7,5 tỷ đồng. Như vậy, một năm họ phải trả tới 13 tỷ đồng.

Cũng với việc "oằn mình" gánh phí, hiệp hội cho rằng điều này làm gia tăng gánh nặng hành chính, gây ách tắc và trở thành gánh nặng không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả người điều hành. Do đó, hiệp hội đề nghị TP.HCM nên hoãn việc thu phí trên.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất các chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại. VCCI cho biết theo phản ánh của các doanh nghiệp, chi phí logistics có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.

VCCI đề nghị thành lập Tổ công tác của liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container. Tổ công tác này cần làm việc chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các cảng biển, các hãng tàu… để đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng thao túng giá, đẩy giá của một số bên.

TIN LIÊN QUAN