Tại một cuộc họp mới đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, chịu áp lực rất lớn.
Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11, tháng 12 năm nay, và quý 1/2023 sụt giảm, mức bình quân giảm từ 25-27%, đặc biệt với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch.
Ngoài ra, ông Giang cũng nói thêm về những chuyển dịch về sản phẩm dệt may trong bối cảnh thị trường khó khăn. Những công ty nào làm mặt hàng rẻ trước đây thì hầu như từ quý 2 đến giờ nay việc thiếu hụt đơn hàng vẫn rất cao. Những đơn nào làm mặt hàng khó, thì đơn vị đó vẫn trụ được tuy rằng không được 100% như trước đây nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định.
Khó khăn nữa là vấn đề lao động, bởi lao động là tài sản số 1 của doanh nghiệp, trên cả thiết bị công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị giảm, hụt đơn hàng cũng phải gắng gượng để giữ chân lao động. Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau.
Ông Vũ Đức Giang dự báo, có thể đến quý 3 và quý 4/2023 ngành dệt may sẽ phục hồi trở lại cũng với tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tuỳ vào thông tin giảm hàng tồn của các nước có sức mua lớn mà có những điều chỉnh cụ thể. Hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố bất định như đồng tiền Euro, Yên Nhật mất giá trong khi đồng USD tăng giá nên việc xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng ngành dệt may áp lực.
Chia sẻ về ngành dệt may hiện nay, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ về những ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu đến doanh nghiệp ngành dệt may.
Theo ông Việt thì một số đơn vị bạn của ông bị ảnh hưởng ngay từ tháng 7, tháng 8, từ quý 2 đã thiếu đơn hàng, một số từ tháng 10 trở đi mới thiếu.
Tổng Giám đốc May 10 cho biết, công ty cũng nằm trong bối cảnh chung, nhưng thiếu ít hơn so với các đơn vị khác. Bởi May 10 có lợi thế là doanh nghiệp lâu đời, có uy tín trên thị trường quốc tế, khách hàng có thiếu đơn hàng cũng sẽ ưu tiên tìm đến May 10 trước tiên.
Theo ông Thân Đức Việt, tình hình sẽ khó khăn hơn trong năm 2023 sắp tới vì hiện tại có những đơn hàng đã chốt nhưng khách hàng đã phải dừng hoãn vì hàng tồn kho lớn.
Chỉ ra giải pháp, ông Việt cho rằng, doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng uy tín trong chuỗi dệt may, khai thác tối đa thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do.
Để giảm thiểu áp lực cho các doanh nghiệp dệt may đặc biệt là các doanh nghiệp may xuất khẩu, theo Tổng Giám đốc May 10 thì các chính sách về tỷ giá và lãi suất phải có tiên liệu, dự báo được cho doanh nghiệp. Bởi một đơn hàng từ lúc nhập nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã, xuất khẩu thường kéo dài khoảng 6 tháng.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp phải theo dõi rất sát tình hình, lựa chọn những đơn hàng phù hợp để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Vấn đề thứ hai, trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều việc mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thời gian triển khai những chương trình mà các thị trường yêu cầu như chuyển đổi xanh hóa, đặc biệt về số hóa, bởi vì đây là xu hướng tất yếu không thể tránh được.
“Ngoài ra, chúng ta cũng liên kết với nhau để có thể chia sẻ đơn hàng, kinh nghiệm rất là cụ thể trong thời gian dịch thì rất nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ đơn hàng để giữ chân khách hàng và đảm bảo vẫn phát triển”, ông Cẩm nhấn mạnh.
Theo Vitas, mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD trong năm nay có thể đạt được. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra tham vọng, đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD, tùy diễn biến thị trường nhập khẩu.