Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công thương nhận định, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Điển hình, giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA trong năm 2021 khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam.
Tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA.
Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi.
Năm 2022, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) kỳ vọng doanh thu toàn ngành sẽ đạt khoảng 23 - 25 tỷ USD, tăng 10 - 15% so với năm 2021.
Theo một số doanh nghiệp sản xuất giày dép, đơn hàng nhận được cho năm 2022 khá dồi dào, hiện có công ty đã nhận được đơn đặt hàng lớn đến hết quý 4/2022.
Để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu.
Bên cạnh đó, một số khâu công việc vẫn phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài. Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Brazil, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm so với cùng kỳ năm trước, cần lưu ý để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm này.