Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Học tiêu chuẩn, hiểu cơ hội

(CL&CS) - Hiện nhiều ngành công nghiệp giàu tiềm năng đã “mở cửa” cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến vào như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực hàng không… Nhưng lĩnh vực có giá trị gia tăng càng cao thì càng đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối trực tiếp với khách hàng tiềm năng.

Cơ hội lớn

Trong chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại New York mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi tiếp ông Brendan Nelson, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Công ty Boeing Global.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Việt Nam khuyến khích Boeing tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn này. Đặc biệt là đề nghị Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các cảng hàng không lớn của Việt Nam…

Còn tại buổi làm việc với ông Tim Hughes, Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX - tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, ông Tim Hughes đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng đối với kế hoạch phát triển internet vệ tinh của SpaceX, nên Tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2024, Airbus đã công bố Dự án cửa thoát hiểm trên cánh cho dòng máy bay thân hẹp A321neo. Các cửa thoát hiểm này được công ty MHI Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries-MHI) Nhật Bản sản xuất tại Hà Nội. Dự án này hiện là tiếp nối các hợp tác công nghiệp của Airbus tại thị trường Việt Nam như hợp tác với Artus (Meggitt) Việt Nam tại TPHCM cung cấp thiết bị cơ điện; hợp tác với Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay và các linh kiện…

Hơn nữa, theo các chuyên gia, nhu cầu đối với máy bay thương mại trong 20 năm tới dự kiến ​​khoảng 36.000 chiếc. Tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không trong nước và quốc tế cũng ngày một tăng cao do nhu cầu vận tải, du lịch…

Học và hiểu về các tiêu chuẩn quốc tế

Cơ hội lớn đã mở ra nhưng thực tế hiện nay cho thấy, đa phần doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ về cơ sở hạ tầng và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện hàng không.

Chẳng hạn, chứng nhận “Hệ thống Quản lý chất lượng ngành hàng không, vũ trụ” – AS9100 được ứng dụng rộng rãi trong ngành hàng không, vũ trụ, bao gồm sản xuất, bảo trì, sửa chữa và phân phối. Đây được đánh giá là “giấy thông hành” để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng AS9100 dựa trên cấu trúc tương tự như ISO 9001 và đòi hỏi những quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn và độ tin cậy của sản phẩm, đảm bảo sản phẩm truy xuất được nguồn gốc cũng như các quy trình cải tiến liên tục.

Theo các chuyên gia, để được cấp chứng nhận AS9100, doanh nghiệp cần chuẩn bị thiết lập hệ thống quản lý chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn về kiểm toán nội bộ, đánh giá bởi tổ chức chứng nhận bên thứ ba… Nên theo ông Takayuki Ishida, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (VI-JA CID), việc tuân thủ tiêu chuẩn AS9100 cho phép các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn.

Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước nhận định, việc hiểu về các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế như AS9100 sẽ giúp doanh nghiệp nắm được cơ hội để có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (An Mi Tools) chia sẻ, các hãng hàng không tại châu Âu, Mỹ rất quan tâm tới việc tìm kiếm đơn vị sản xuất tại Việt Nam để chuyển đổi chuỗi cung ứng nên việc được cung cấp đầy đủ các thông tin tổng quan về Chứng nhận AS9100 sẽ tạo thành cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI đang có nhiều ưu thế hơn về vấn đề này. Từ kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam và hoàn thiện chứng nhận AS9100 vào tháng 8 vừa qua, ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Onaga Việt Nam chia sẻ, việc đạt được chứng nhận AS9100 cần sự đầu tư về thời gian và nguồn lực; doanh nghiệp cũng cần quá trình chuẩn bị công phu bao gồm nhiều công đoạn, từ quản trị, lựa chọn thu mua nguyên vật liệu, đầu tư dây chuyền sản xuất, đến quản lý chất lượng và xuất khẩu sản phẩm…

Vì thế, cùng việc học và hiểu về các tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong muốn được hỗ trợ, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ từ các đối tác quốc tế để “đi tắt, đón đầu”. Hiểu được mong muốn này, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba), Tập đoàn N&G Holdings cùng với 10 doanh nghiệp hội viên ngành hàng không vùng Kobe (KAN) – Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản. Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hợp tác về công nghệ, quy trình sản xuất, đặc biệt là chứng chỉ sản xuất toàn cầu đối với ngành công nghiệp chế tạo hàng không, vũ trụ.

Đồng thời, các doanh nghiệp cho rằng giải quyết "bài toán" tiêu chuẩn phải đi kèm với đầu ra của sản phẩm, tức là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam "chen chân" vào đơn hàng của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, thậm chí là tiến tới làm việc trực tiếp với nhà máy của các tập đoàn về lĩnh vực hàng không, vũ trụ. Điều này cần đến sự hỗ trợ hiệu quả hơn của các cơ quan chức năng trong việc kêu gọi đầu tư, tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối...

TIN LIÊN QUAN