Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang sở hữu quỹ đất “khủng” lên đến hàng ngàn ha trên khắp cả nước. Đầu tiên phải kể đến CTCP Vinhomes (VHM). Hết năm 2020, công ty sở hữu 16.200 ha quỹ đất xây dựng căn hộ, officetel, shophouse, shopoffice, biệt thự, biệt thự biển và condotel (phần diện tích này không bao gồm các dự án đã hoàn thành và đang nghiên cứu). Trong đó, 60% quỹ đất sẵn sàng phát triển tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội (32%), TP.HCM (26%). Tổng giá trị phát triển đến 2025 dự kiến đạt 48,2 tỷ USD.
Hiện tại, Vinhomes đang triển khai 3 đại dự án trọng điểm gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội) và Vinhomes Grand Park (TP.HCM). Dự kiến năm 2021, VHM ra mắt 3 dự án mới gồm Vinhomes Dream City (460 ha, Hưng Yên), Vinhomes Cổ Loa (385 ha, Hà Nội) và Vinhomes Đan Phượng (133 ha, Hà Nội).
Một “ông lớn” trong làng bất động sản Việt không thể không nhắc đến đó là Tập đoàn Novaland (NVL). Hiện Novaland có gần 5.000 ha quỹ đất sở hữu và đang nghiên cứu dành cho 3 dòng sản phẩm gồm bất động sản trung tâm TP.HCM, bất động sản khu đô thị vệ tinh tại Đồng Nai và bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh tiềm năng du lịch. Tập đoàn này đang phát triển các dự án lớn như The Grand Manhattan (TP.HCM), Aqua City (Đồng Nai) và các dự án nghỉ dưỡng NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaHills Mui Ne (Bình Thuận) và NovaBeach Cam Ranh (Khánh Hòa).
Tiếp đến là Hưng Thịnh Land (Công ty con của Hưng Thịnh Group), cuối năm 2020 doanh nghiệp này công bố thông tin phát triển quỹ đất 4.500 ha tại TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành có tiềm năng kinh tế lớn như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Quỹ đất này được phát triển trên cơ sở các dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh. Các dự án lớn công ty đang phát triển gồm New Galaxy (Bình Dương), Vũng Tàu Pearl (TP Vũng Tàu), Grand Center Quy Nhơn, Quy Nhơn Melody (Bình Định), Saigon Garden Riverside Village (TP.HCM).
Ngoài các doanh nghiệp kể trên thì trong năm 2020, một số doanh nghiệp khác cũng thực hiện nhiều thương vụ M&A để gia tăng quỹ đất như Nam Long (NLG), Đầu tư LDG (LDG) hay Phát Đạt (PDR).
Đầu tư LDG trong năm qua đã mua dự án khu căn hộ Sông Đà Riverside từ CTCP Quốc Cường Gia Lai với giá 626 tỷ đồng. Giao dịch này đã đem lại quỹ đất gần 3 ha để LDG phát triển dự án căn hộ cao cấp LDG River, Thủ Đức, TP.HCM với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Cùng với dự án này, LDG cũng công bố nhiều dự án chiến lược khác tại Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh.
Tính đến cuối năm 2020, tổng quỹ đất phát triển gần 813 tỷ đồng tại các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Lãnh đạo công ty cho biết không chỉ dừng lại ở việc phát triển các dự án nhà ở trung cấp mà còn mở rộng sang phân khúc nhà ở cao cấp, bất động sản thương mại, dịch vụ.
Còn Nam Long, trong năm 2020, doanh nghiệp này mua thêm 20 ha đất tại dự án Waterfont Đồng Nai từ Keppel Land, nâng diện tích sở hữu lên 190 ha. Như vậy, tổng quỹ đất Nam Long sở hữu hiện tại vào khoảng 701 ha, bao gồm các dự án tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Hải Phòng, đều thuộc phân khúc nhà ở trung - cao cấp.
Với Phát Đạt, tính đến cuối 2020, quỹ đất doanh nghiệp sở hữu hơn 442 ha, chủ yếu ở miền Trung (Bình Định 159 ha, Quảng Ngãi 52 ha) và Phú Quốc (hơn 178 ha), ngoài ra còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu (15,4 ha), TP.HCM (28,5 ha). Tại miền Trung, dự án lớn nhất là Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (116 ha), gồm 3 phân khu 2, 4 và 9. Ngoài ra, công ty có phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu (15,4 ha), Phú Quốc (hơn 178 ha).
Trong bối cảnh đại dịch COVD-19 đang hoành hành, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đều đồng tình M&A chính là con đường tất yếu cho các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính mong muốn gia tăng quỹ đất trong thời điểm này. Dịch bệnh là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội cho doanh nghiệp mua được những dự án tốt với giá hợp lý mà trước đó khó có thể thực hiện.
Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2021 sôi động hơn. Bởi lẽ, quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt với các vấn đề tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm đất cho các công ty bất động sản có tiềm lực mạnh về tài chính.
Một lãnh đạo công ty Nam Long khẳng định, phát triển quỹ đất sẽ tiếp tục được chú trọng. Bên cạnh 700 ha đất hiện có tại TP.HCM, Cần Thơ, Long An, Đồng Nai thì thị trường Hà Nội và các đô thị cấp 2 có tiềm năng phát triển kinh tế, thu hút lực lượng lao động có nhu cầu an cư lớn sẽ là điểm đến cho mảng phát triển quỹ đất và nhà ở của Nam Long Group trong thời gian tới.
Những khu vực trọng điểm này được chọn vì mức độ khả thi trong việc lấp đầy một khu đô thị và đảm bảo vận hành được các tiện ích dịch vụ đi kèm, tạo giá trị đô thị thực sự cho khu vực mà công ty đầu tư. Mỗi năm, Nam Long dự kiến dành khoảng ít nhất 2.000 tỷ để phát triển quỹ đất mới.
Cũng theo vị đại diện Nam Long, thị trường chung đang hiểu việc M&A quỹ đất giống như câu chuyện mua đi, bán lại thu khoản chênh lệch lợi nhuận sau một thời gian để dành. Tuy nhiên, đó không phải là cách Nam Long thực hiện. Công ty chọn phát triển quỹ đất là một mảng kinh doanh cốt lõi đem lại giá trị thực sự cho doanh nghiệp và đối tác. Phát triển quỹ đất với Nam Long là mua đất và gia tăng giá trị cho quỹ đất bằng cách hoàn thiện pháp lý, làm hạ tầng, quy hoạch… Khi đối tác mua lại, họ đã có thể tự phát triển những khâu phù hợp với khả năng chứ không cần cả một bộ máy.
"Chúng tôi cho rằng đây là một mảng kinh doanh vừa có lợi nhuận, vừa có giá trị, vừa khai thác được thế mạnh 30 kinh nghiệm của mình. Tùy từng thời điểm phù hợp, chúng tôi sẽ chọn lựa M&A quỹ đất hoặc tự phát triển", vị đại diện Nam Long chia sẻ thêm.