Do đâu các công ty nông, lâm nghiệp chậm đổi mới?

(NTD) - Người dân địa phương lấn đất; giá tiền thuê đất quá cao; giải ngân nguồn vốn vay từ ngân hàng còn chậm... là những khó khăn khiến quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 33 tập đoàn, tổng công ty. Trong đó có 3 đơn vị có doanh nghiệp trực thuộc là các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện cần sắp xếp lại theo Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) với 22 công ty nông nghiệp; Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) với 33 công ty nông nghiệp và Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có 18 công ty lâm nghiệp.

Trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới các đơn vị này đều gặp các khó khăn như tình trạng người dân địa phương xâm lấn đất vẫn chưa thể giải quyết; giá tiền thuê đất đối với các công ty nông nghiệp còn quá cao; giải ngân nguồn vốn vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) còn chậm...

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp được tổ chức vào ngày 29/5.

Nguyên nhân được VRF, Vinacafe và Vinapaco đưa ra là sự phối hợp giữa các cấp, địa phương với doanh nghiệp trong lập thủ tục đất đai để quản lý chưa chặt chẽ. Do đó, địa phương chưa phê duyệt phương án sử dụng đất và cắm mốc phân định ranh giới đất sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp với các loại đất khác.

Bên cạnh đó, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nông, lâm nghiệp đều phải thuê đất với giá còn quá cao, một số công ty cao su ở tỉnh Tây Ninh phải thuê đất với giá 5 triệu đồng/ha, gần bằng 20% giá bán cao su thành phẩm. Vì vậy, các đơn vị này cũng kiến nghị Chính Phủ xem xét miễn hoặc giảm tiền thuê đất để đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Thuận, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN cho rằng tiền thuê đất hiện nay còn quá cao

Ngoài ra, các đơn vị này cũng cho rằng họ đang phải vay ngắn hạn vì việc giải ngân vốn trồng rừng từ vốn vay ưu đãi của BIDV để phát triển vùng nguyên liệu giấy theo Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay các công ty vẫn chưa được giải ngân. Bên cạnh đó, nếu vay vốn ưu đãi từ BIDV thì sau khi giải ngân 1 tháng, công ty phải trả tiền lãi suất ngay. Do đó, các đơn vị đều kiến nghị được vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển theo chu kỳ kinh tế của cây trồng, được trả gốc và lãi 1 lần vào cuối chu kỳ kinh doanh.

Nhận định về tiến trình thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP, ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, cho rằng quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty nông, lâm nghiệp còn quá chậm. Hiện nay, vẫn chưa có địa phương nào trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần phối hợp chặt chẽ cùng tập đoàn, tổng công ty nông, lâm nghiệp, phải hoàn thành việc đo đạc, rà soát, xác định ranh giới cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015.

Sơn Mạch