'Báo động đỏ' nạn sản xuất, buôn bán hàng giả
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 5.464 vụ sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng 48% so với năm 2022.
Còn theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã bắt giữ 2.253 vụ mua bán, sản xuất, vận chuyển hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Cùng thời gian này, lực lượng chức năng của thành phố kiểm tra, xử lý 648 vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử; phạt hành chính hơn 11 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm hơn 2,6 tỷ đồng.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đỗ Hồng Trung, hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được tổ chức chặt chẽ, bí mật, nhiều mắt xích, khép kín từ đối tượng cung ứng đến người tiêu dùng. Đáng chú ý, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất quy mô lớn có dấu hiệu tăng dần, tạo ra thách thức cho cơ quan chức năng.
Tại Hà Nội, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và các tuyến đường từ biên giới về diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, chuyển phát nhanh để gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép…
Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng…; hàng thời trang.
Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến giá trị chất lượng nguồn lao động, làm giảm cơ hội việc làm, làm suy yếu nền kinh tế và gây ra rủi ro cho sức khỏe và môi trường.
Định danh người bán hàng là giải pháp chống hàng giả
Về giải pháp ngăn chặn xử lý vi phạm trên TMĐT, ông Phan Minh Nhật, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền SHTT của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, cần thiết lập bộ lọc, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, điều tra xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, giải pháp căn cơ nhất là định danh người bán qua TMĐT.
Theo ông Nhật, hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua TMĐT do rất khó phát hiện người bán là ai, ở đâu… Ví dụ như một người sử dụng số định danh cá nhân đăng ký tài khoản trên các sàn TMĐT, nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả thì lập tức bị khóa sàn giao dịch và không thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, cần phải định danh rõ người bán trên TMĐT, mạng xã hội. Nếu người bán vi phạm sẽ bị khoá tài khoản, cơ quan thuế cũng dễ dàng thu thuế.
Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho rằng, yêu cầu định danh người bán là cần thiết và nên thực hiện sớm. Theo đó, định danh trên cơ sở số điện thoại của người bán hàng trên sàn TMĐT là cần thiết, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, số ngân hàng ảo… Do đó, việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện quản lý được cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và cả người dân.
Về giải pháp chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới, ông Trung cho rằng cần xem xét bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi, lưu chứa, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng để đảm bảo việc điều tra, kiểm tra xử lý được kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền SHTT, khuyến khích nhân dân tố cáo, tố giác tội phạm, đồng hành với cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả.