Các nhà nghiên cứu người Anh đã tìm thấy xác một tàu buôn Hy Lạp gần như nguyên vẹn có niên đại hơn 2.400 năm ở độ sâu 2.000m dưới Biển Đen vào tháng 10/2018. Phát hiện này được cho là có tầm quan trọng rất lớn đối với sự hiểu biết về ngành đóng tàu và đi biển ở thời cổ đại.
Cụ thể, thông tin trên tờ Guardian cho biết, con tàu có độ dài 23m, xuất xứ từ thời Hy Lạp cổ đại cách đây 2.400 năm. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện xác tàu cùng cột buồm, bánh lái và mái chèo được bảo quản hoàn chỉnh chính là nhờ môi trường thiếu oxy. Được biết, nước Biển Đen ở độ sâu dưới 150m là nước thiếu oxy, nghĩa là môi trường không thể hỗ trợ các sinh vật thường ăn các vật liệu hữu cơ, chẳng hạn như gỗ và thịt. Đồng thời, do nằm ở độ sâu hơn 2.000m dưới bề mặt, nó cũng nằm ngoài tầm với của các thợ lặn hiện đại.
Một mảnh nhỏ của con tàu đã được xác định niên đại bằng carbon và được xác nhận là có niên đại từ năm 400 trước Công nguyên, khiến con tàu trở thành thành con tàu đắm còn nguyên lâu đời nhất được nhân loại biết đến.
Giáo sư Jon Adams, nhà nghiên cứu chính trong Dự án khảo cổ hàng hải Biển Đen (MAP) đầy ngỡ ngàng chia sẻ: "Tôi không thể tin có một con tàu còn nguyên trạng từ thế giới cổ đại, nằm ở độ sâu hơn 2.000m dưới mặt nước. Phát hiện này sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về ngành đóng tàu và đi biển ở thời cổ đại", ông nói.
Được biết, đây là một trong hơn 60 tàu đắm được phát hiện trong Dự án Khảo cổ Hàng hải Biển Đen, bao gồm cả tàu La Mã và một tàu chiến Cossack từ thế kỷ XVII.
Trong 3 năm thực hiện dự án, các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao. Điển hình như hệ thống camera điều khiển từ xa dưới tầng nước sâu chuyên dụng mà trước đây được sử dụng để thăm dò dầu mỏ, khí đốt và lập bản đồ đáy biển để tìm kiếm.