Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố hôm 21/5 cho thấy, chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) của Việt Nam trong năm 2023 xếp thứ 59, tức là giảm 7 bậc so với năm 2021. Được biết, tổng điểm của Việt Nam là 3,96/7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1 của năm 2021.
Nếu tính trong khối ASEAN, Singapore xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng, đây là quốc gia Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất. Các quốc gia xếp trên Việt Nam gồm có Indonesia hạng 22, Malaysia hạng 35 và Thái Lan hạng 47. Các quốc gia xếp dưới Việt Nam có Philippines hạng 69, Campuchia hạng 86 và Lào hạng 91.
Trong các quốc gia kể trên, Indonesia là nước được đánh giá tăng trưởng tốt nhất so với năm 2021 khi tăng 14 bậc so với năm 2021, từ 36 lên 22.
Theo đó, TTDI là bản nâng cấp của chỉ số Năng lực Cạnh tranh Du lịch của WEF công bố hai năm một lần. Chỉ số này được xếp dựa trên 5 nhóm chính gồm môi trường hoạt động, chính sách và điều kiện hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, sự bền vững của du lịch.
5 nhóm này được chia thành 17 lĩnh vực để chấm điểm như an ninh, an toàn; y tế và vệ sinh; chính sách mở cửa; hạ tầng du lịch, vận chuyển; tài nguyên tự nhiên, văn hóa; bền vững của môi trường.
17 lĩnh vực trên được hình thành dựa trên hơn 100 tiêu chí nhỏ khác nhau. Được biết, bảng xếp hạng năm 2024 được WEF thực hiện với 119 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nói riêng về Việt Nam, chỉ số tốt nhất của ngành du lịch nước ta là giá cả cạnh tranh với 5,68 điểm, xếp hạng 16. An ninh an toàn đạt 6,19, xếp hạng 23. Bên cạnh đó, “đất nước hình chữ S” cũng được đánh giá cao về các chỉ số trong nhóm tài nguyên du lịch và lữ hành như chỉ số tài nguyên thiên nhiên hạng 26, tài nguyên văn hóa hạng 28 và tài nguyên khác ngoài giải trí - nghỉ dưỡng hạng 38.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cần khắc phục, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ. Chỉ số này của Việt Nam chỉ đạt 2,2 điểm, xếp hạng 80/119. Bên cạnh đó, tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch Việt Nam cũng được đánh giá thấp với chỉ số 2,95 điểm, xếp hạng 115/119, chỉ cao hơn Lào và Myanmar.