Di dời chung cư xuống cấp và câu chuyện nhà tái định cư

(NTD) - Trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 474 chung cư xây dựng từ trước năm 1975 đang xuống cấp nghiêm trọng. UBND TP.HCM đã lên kế hoạch di dời dân ở những chung cư này. Tuy nhiên, đến nay nhà tái định cư cho họ vẫn còn là vấn đề nan giải vì nhiều lý do khác nhau.

Di dời chung cư xuống cấp

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP.HCM hiện có 474 chung cư được xây dựng từ trước năm 1975. Các chung cư này đa phần tập trung ở các quận 1, 3, 4, 5, 10 và hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng nặng gây nguy hiểm cho người dân sống trong những chung cư này.

Ngày 6/8, PV Báo Người Tiêu Dùng đã có mặt ở một số chung cư nằm trong diện giải tỏa khẩn cấp ở các quận 1, 3 và 5 như: Chung cư số 11 (Võ Văn Tần, quận 3), chung cư 440 (Trần Hưng Đạo, quận 5)…

Theo ghi nhận, những chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, trần và sàn nhà rạn nứt, khung cửa không còn nguyên vẹn, đường dây điện nối nhau chằng chịt, hư hỏng nhiều chỗ. Đây là những chung cư phải di dời khẩn cấp vì đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người dân theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Hiện tại, UBND các quận, huyện có liên quan đang khẩn trương lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, bảo đảm phương án tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống sau khi di dời. Ngoài ra, UBND các quận, huyện có chung cư theo diện trên sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập phương án sử dụng đất sau khi di dời theo hướng xã hội hóa.

Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản cho biết: “Ở TP.HCM hiện nay có rất nhiều chung cư cũ đã xuống cấp. Theo nguyên tắc chung cư sau 50 năm sử dụng phải kiểm định chất lượng, nếu chất lượng không bảo đảm thì phải tiến hành xây lại và di dời người dân về những nơi tái định cư để ổn định cuộc sống”.

Việc di dời chung cư cũ xuống cấp là cấp bách nhưng sau khi di dời người dân sẽ ở đâu còn là vấn đề cấp thiết hơn khi những chung cư xây dựng mới nhằm mục đích cho những người dân thuộc diện bị giải tỏa sinh sống lại trở nên vắng người. Tại sao lại xảy ra thực trạng trên?

Một chung cư cũ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5.
Chung cư cũ đang được giải tỏa trên đường Lý Tự Trọng, quận 1.

Chung cư đang giải tỏa trên đường Võ Văn Tần, quận 3.

Chung cư tái định cư sẽ phát huy tác dụng?

Hiện tại, TP.HCM đang tiến hành giải tỏa, di dời người dân ở 15 chung cư xây từ trước năm 1975 đã xuống cấp để bảo đảm an toàn cho người dân. Nhưng sau khi giải tỏa người dân ở những chung cư này sẽ được sắp xếp tái định cư ở đâu và bằng hình thức nào thì vẫn còn là một dấu hỏi.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng từ năm 2006-2017, TP.HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách mua lại hơn 40.000 căn hộ, đất nền tái định cư để bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa chuyển đến sinh sống.

Đến nay, TP.HCM đã sử dụng hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm khoảng 65% phục vụ mục đích tái định cư cho những người dân bị ảnh hưởng. Hiện tại, khoảng 14.000 suất tái định cư còn đang bỏ trống, tương đương với 35% quỹ đất phục vụ mục đích này. Vậy vì sao số lượng những căn hộ tái định cư bị dôi dư còn nhiều như vậy?

Theo ông Đinh Thế Hiển - chuyên gia bất động sản chia sẻ với PV: “Chung cư người ta đang ở là những nơi nằm trong khu trung tâm, nếu di dời qua nơi khác có thể khang trang hơn nhưng môi trường sống bị thay đổi ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, việc kinh doanh không tiện lợi. Đó là còn chưa nói đến việc những chung cư được xây dựng lên phục vụ cho việc tái định cư có thể không được tiện ích, bởi vì theo quan niệm ngày xưa thì xây nhà tái định cư là cho và đằng nào người ta cũng ở nên chủ quan trong xây dựng và thiết kế dẫn đến việc người dân không tới ở là chuyện quá bình thường”.

Ông Trần Khánh Quang cho biết: “Nguyên nhân chính dẫn đến việc những chung cư xây với mục đích tái định cư không có người ở là vì bất cập về vùng. Với những người đã quen với việc ở khu trung tâm của thành phố thì khi giải tỏa xong chuyển người ta ra những khu ven đô như Bình Chánh, Nhà Bè… thì họ không đồng ý là chuyện bình thường. Những người khá giả thì không sao chứ những người nghèo thì việc tăng chi phí đi lại, sinh hoạt hằng ngày dù chỉ là 1 triệu đồng cũng là cả một vấn đề phải suy nghĩ. Ngoài ra, có nhiều trường hợp những người dân không chọn di dời qua những chung cư tái định cư mà chọn nhận một khoản tiền đền bù để chuyển đến nơi khác sống theo ý muốn của họ. Thêm vào đó số lượng chung cư tái định cư được xây lên quá nhiều dẫn đến việc dôi dư hiện nay”.

“Để chính sách sử dụng chung cư tái định cư thành công thì việc xây dựng phải phù hợp và chung cư phải nằm trong bán kính di dời có thể chấp nhận được. Xây dựng chung cư tái định cư cần phải xem xét vấn đề về khoảng cách so với nơi giải tỏa”. - Ông Trần Khánh Quang cho biết thêm.

Bài & ảnh: Tín Phong

 

 

Nên đọc