Descon đặt mục tiêu doanh thu 15 tỷ đồng, thua lỗ 60 tỷ đồng

(CL&CS) - Sau 2 năm thua lỗ nặng nề, lũy kế -388 tỷ đồng, doanh nghiệp xây dựng Descon một thời lừng lẫy trình kế hoạch doanh thu 15 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế -60 tỷ đồng cho năm 2020.

Descon sẽ tổ đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vào 8/10 tới.

Năm 2020 đã đi gần hết 3 quý nhưng CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Theo thông báo mới nhất, công ty sẽ tổ chức đại hội vào lúc 8h thứ Năm, ngày 8/10/2020 tại Hội trường CTCP Beton 6 (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Miễn nhiệm toàn bộ HĐQT và BKS

Descon xin miễn nhiệm toàn bộ và bầu bổ sung HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021. HĐQT hiện nay của Descon gồm: Chủ tịch Châu Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Phạm Văn Dinh, thành viên Nguyễn Thị Hải Nam, 2 thành viên độc lập Scott Hutchinson và Trần Nguyên Huân. BKS gồm: Trưởng ban Bùi Thọ Quỳnh Hương, 2 thành viên Dương Thị Bích Hồng và Dương Đình Khôi.

Ứng viên HĐQT được bầu bổ sung gồm: Trịnh Thanh Huy (thành viên HĐQT CTCP Beton 6), Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Quang Minh (hiện là Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT CTCP Beton 6), Trần Thanh Hải, Châu Anh Tuấn (hiện là Chủ tịch HĐQT). Ứng viên BKS: Nguyễn Mạnh Tuấn Vũ, Mai Thị Ngọc Anh và Châu Nguyễn Trang Thư.

Ông Trịnh Thanh Huy không phải là người xa lạ đối với Descon khi nhóm cổ đông liên quan đến ông thâu tóm Descon vào năm 2010 khi công ty này đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Năm 2015, nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy là CTCP Đầu tư Bất động sản Bình Thiên An, CTCP Đầu tư thương mại HB, CTCP Beton 6 sở hữu 57,67% vốn điều lệ Descon sau khi công ty tăng vốn từ 103 tỷ đồng lên 206 tỷ đồng. Đến năm 2016, các cổ đông này thoái vốn khỏi Descon và công ty tăng vốn từ 206 tỷ đồng lên 356 tỷ đồng thì ông Trịnh Thanh Huy công bố đã nắm giữ 56,18% Descon và giữ nguyên từ đó đến nay.

Ngoài ra, ông Trịnh Thanh Huy còn đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT giai đoạn 28/5/2010 - 29/6/2012 và Chủ tịch HĐQT giai đoạn 15/4/2015 - 8/12/2016

Công ty ngưng hoạt động thời gian dài

Năm 2018 là giai đoạn cực kỳ khó khăn của Descon khi đạt 1.476 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận gộp -298 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế -388 tỷ đồng.

Năm 2019, công ty ngừng hoạt động nên doanh thu đạt 53 tỷ đồng, may mắn là lợi nhuận gộp đạt 17 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế -52 tỷ đồng vì chi phí lãi vay lớn.

Hoạt động kinh doanh của Descon vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi công ty vẫn tiếp tục ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay. Do đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu 15 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế -60 tỷ đồng trong năm 2020.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 2012 - 2019 và kế hoạch 2020 của Descon (đvt: tỷ đồng)

Tại thời điểm 31/12/2019, Descon có vốn điều lệ 356 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối -380 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn vỏn vẹn 70 tỷ đồng.

Công ty đang có 709 tỷ đồng vay nợ. Các chủ nợ lớn là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - chi nhánh Bắc Sài Gòn là 333 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quang Trung, Hà Nội là 75 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH Indovina là 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, lãi suất thả nổi. Ngoài ra, công ty còn vay 57 tỷ đồng từ nhiều cá nhân, 28 tỷ đồng từ CTCP Bất động sản Bình Thiên An, 16 tỷ đồng từ CTCP Beton 6.

Tổng tài sản của Descon đạt 1.639 tỷ đồng nhưng phần lớn tài sản tập trung ở các khoản mục “nhạy cảm”. Đó là các khoản phải thu 917 tỷ đồng, hàng tồn kho 540 tỷ đồng, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 94,4 tỷ đồng. Những khoản mục “nhạy cảm” này chiếm đến 94,6% tổng tài sản của Descon.

Các khoản phải thu trị giá 917 tỷ đồng gồm: Công ty TNHH Pumyang - Descon vay 386 tỷ đồng không thuyết minh lãi suất, khách hàng nợ 374 tỷ đồng, trả trước khách hàng 91 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác 61 tỷ đồng.

Hàng tồn kho 540 tỷ đồng gồm giai đoạn 2 khu du lịch sinh thái thể thao biển Tri Việt Hội An, gói thiết kiết bảo trì 371 tỷ đồng, dự án Cần Thơ 24 tỷ đồng, xây dựng khu chung cư Trương Đình Hội II (P16, Q.8) 22 tỷ đồng, nhà máy giấy Giao Long Bến Tre 33 tỷ đồng và các dự án khác 90 tỷ đồng.

Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến

Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2018, 2019 là Công ty TNHH Kiểm toán TTP chi nhánh TP.HCM đã từ chối đưa ra ý kiến. Tại báo cáo tài chính 2019, TTP cho rằng không thể giám sát kiểm kê tài sản cố định và hàng tồn kho vào 31/12/2019. Bằng thủ tục kiểm toán thay thế, TTP cũng không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của các khoản mục hàng tồn kho là 540 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng giá trị khoản đầu tư của Descon tại các công ty liên kết là 94,4 tỷ đồng bao gồm: CTCP Đầu tư Phước Long 4,4 tỷ đồng, CTCP Xây dựng và Kỹ thuật H&B là 90 tỷ đồng. Báo cáo tài chính năm 2019 của các công ty liên kết nêu trên chưa được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, đồng thời TTP cũng chưa được tiếp cận hồ sơ kế toán của các công ty này để thực hiện kiểm toán các khoản mục trọng yếu. Do đó, TTP không xác định được ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng (nếu có) đối với khoản đầu tư vào công ty liên kết nếu các công ty này được kiểm toán.

TTP cho rằng, tại thời điểm gửi thư đối chiếu xác nhận số dư các khoản công nợ phải thu, nợ phải trả, đầu tư đến các chủ nợ và khách hàng tại ngày 31/12/2019. Tuy nhiên đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính 2019 (10/9/2020) vẫn chưa nhận được đầy đủ các biên bản xác nhận công nợ trên cũng như các khoản phải thu khách hàng chưa được đánh giá đúng khả năng thu hồi.

Không chi thù lao HĐQT và BKS từ 7/2018 - 9/2020

Đại hội sẽ thông qua thù lao cho HĐQT và BKS năm 2018 là 153 triệu đồng, năm 2019 là 0 đồng và kế hoạch năm 2020 là 141 triệu đồng.

Theo giải thích của công ty, hoạt động kinh doanh trong năm 2018 gặp nhiều khó khăn, dòng tiền thiếu hụt. Tổng mức thù lao cho HĐQT và BKS được đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2018 thông qua là 315 triệu đồng nhưng công ty chi thực từ 1/2018 - 6/2018 là 153 triệu đồng.

Năm 2019, công ty gần như đã ngừng hoạt động nên không thể tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, do đó không thông qua tổng mức thù lao cho HĐQT, BKS trong năm này và cũng không có thực chi. Tình trạng này kéo dài đến hết tháng 9/2020.

Năm 2020, HĐQT đề xuất mức thù lao mới cho HĐQT và BKS mới từ tháng 10/2020 - 12/2020 là 141 triệu đồng.

Đưa cổ phiếu trở lại sàn chứng khoán

Cổ phiếu DCC của Descon từng giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). DCC có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE vào ngày 12/12/2007 với giá đóng cửa 69.000 đồng/cổ phiếu. Đến 15/12/2011, cổ phiếu này bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định công bố thông tin. Tại thời điểm đó, DCC chỉ còn 9.500 đồng/cổ phiếu.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 Descon đã thông qua phương án niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Sau đó, hoạt động của công ty bị đình trệ nên vẫn chưa triển khai được kế hoạch này.

Descon sẽ trình đại hội thông qua việc đăng ký giao dịch cổ phiếu tại thị trường UPCoM trong thời gian sớm nhất. Công ty tiếp tục triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HOSE theo sau khi đủ điền kiện.

Một doanh nghiệp có liên quan với ông Trịnh Thanh Huy - cổ đông sở hữu 56,18% Descon - là CTCP Beton 6 đang có cổ phiếu giao dịch tại UPCoM. Đóng cửa ngày 25/9, BT6 đạt 1.100 đồng/cổ phiếu.

Tại thời điểm 31/12/2019, Beton 6 có vốn điều lệ 330 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 23 tỷ đồng. Cũng giống như Descon, nguồn vốn của Beton 6 vay từ ngân hàng để tài trợ cho khoản mục "nhạy cảm" như các khoản phải thu, công ty liên doanh, liên kết, hàng tồn kho.

Nguyễn Như

Nên đọc