Tuy nhiên cả 03 doanh nghiệp được cổ phần hóa nói trên đều không thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN thì giai đoạn 2017 - 2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp, cụ thể: Năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; Năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; Năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp; Năm 2020 cổ phần hóa 01 doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet |
Về tình hình thoái vốn, trong 5 tháng đầu năm, có 09 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến tháng 5/2019: Thoái vốn nhà nước tại 87 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.
Tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến tháng 5/2019: cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco).
Về cơ chế chính sách, trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành 4 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và 1 thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2018/NĐ-CP. Qua đó đảm bảo công tác cổ phần hóa, thoái vốn được thực hiện đúng pháp luật, theo thị trường và công khai, minh bạch đảm bảo quyền lợi cao nhất cho Nhà nước.
Thanh Bình