Dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam bị đình trệ, hàng chục ngàn tấn thanh long, dưa hấu ứ đọng không thể xuất khẩu sang Trung Quốc khiến người dân và thương lái lao đao.
Không những vậy, tôm hùm cũng là mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng bởi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn tôm hùm Việt Nam. Việc Trung Quốc tạm thời “không ăn” tôm hùm khiến ngư dân nuôi tôm tại Phú Yên, Khánh Hòa thất thu nặng nề.
Xuất khẩu tôm hùm hiện đang gặp khó vì dịch Covid -19. |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2020 chỉ còn 644 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Việc Trung Quốc ngừng hoặc giảm tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới sẽ giảm.
Trước việc xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang gặp khó, mới đây một chủ cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết, xuất phát từ ý tưởng giải cứu nông sản cho người nông dân, một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội đã quyết định thu mua tôm hùm với giá cao và bán với mức giá hợp lý.
Cũng theo chủ cửa hàng này, cửa hàng sẽ tự dùng quỹ để nhập tôm về, sau đó vận chuyển ra Hà Nội, giao đến tận tay khách hàng khi tôm vẫn còn sống và khỏe. Đồng thời, chuỗi cửa hàng sẽ đến tận nơi để thu mua tôm hùm với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường, sau đó sẽ bán ra với giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng. Hiện tôm hùm xanh được bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm có giá 1.095.000 đồng/kg (trước đây có giá 1.500.000 đồng/kg).
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, không riêng gì tôm hùm mà các loại hải sản khác và hàng nông sản cũng đều bị tác động bởi Covid-19. Ngành thủy sản tỉnh đang phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ thủy sản của người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp. Đối với lượng tôm còn tồn, chưa xuất khẩu được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, chăm sóc tốt. Đồng thời, trong quá trình nuôi, người dân cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có 49.400 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng nuôi hàng năm hơn 1.440 tấn, chủ yếu tập trung tại các địa Cam Ranh, Vạn Ninh, Nha Trang. Theo ước tính của Chi cục Thủy sản, phần lớn lượng tôm thịt đến thời kỳ xuất bán đã được người dân bán trước Tết Nguyên đán, lượng tôm còn tồn chỉ khoảng 20 - 25%.
Tấn Lợi