Đến 2020, 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử

(NTD) - Đây là nội dung đề cập trong kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử được phê duyệt kèm theo Quyết định 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

 

Ảnh minh họa

Hồ sơ sức khỏe điện tử là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe (tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi) được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.

Theo đó, đến năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm bảo tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử và đến năm 2025, 95% người dân cả nước có hồ sơ sức khỏe điện tử được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và kết nối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc.

Hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp người dân biết, tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời để từ đó chủ động chăm sóc sức khỏe cho mình.

Khi đi khám, chữa bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, bác sĩ có thể biết được đầy đủ các thông tin về tiền sử bệnh tật, các yếu tố có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời, kết hợp với thăm khám hiện tại để có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn cũng như kịp thời điều trị khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 12/11/2019.

Thu Thủy (t/h)

Nên đọc