Đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi dạy thêm, học thêm

(NTD) – Mới đây, Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD-ĐT công bố nhiều quy định mới về dạy thêm.

Theo đó, nhiều hành vi vi phạm của các cá nhân trong ngành giáo dục được cụ thể hóa tương ứng với các mức xử phạt hành chính, ngoài việc thực hiện các quy định chế tài khác.

Cụ thể, theo dự thảo, hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất; phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm; phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

Đề xuất tăng mức phạt đối với hành vi dạy thêm, học thêm (nguồn: Kinhtedothi)

Đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên mức phạt tiền sẽ từ 2 đến 4 triệu đồng.

Riêng với các hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày và hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá sẽ chịu mức phạt từ 5 đến 8 triệu đồng.

Tại dự thảo lần này cũng quy định mức xử phạt đối với các hành vi ép buộc học sinh học thêm từ 8 đến 10 triệu đồng. Và phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thế của nhà giáo, người học.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, đánh giá thời gian gần đây những hành vi giáo viên xúc phạm học sinh, học sinh đánh giáo viên… đang làm dư luận hết sức lo lắng. Do đó, Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo quy định này mục đích chính là để răn đe, tránh vi phạm.

Nếu được thông qua dự thảo Nghị định sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.

Phan Định

Nên đọc