Đề xuất cấm mọi loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam

(CL&CS) - Vừa qua, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và HealthBridge Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo trao đổi thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để có thêm những thông tin cần thiết và các ý kiến tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế và các đối tượng có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia, cán bộ kỹ thuật đến từ Bộ Y tế, một số tổ chức quốc tế, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thông tin về: Các chiến lược mới của ngành công nghiệp thuốc lá và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Một số điểm quan trọng và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới; Thực trạng và kiến nghị về vấn đề cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam; Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và trẻ em trước các thông tin, tác động bất lợi của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo đối với Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, kể từ khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua và triển khai thực hiện đến nay Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc và được thế giới đánh giá cao, đó là việc tỷ lệ người sử dụng thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên ở nước ta đã giảm 2%. Việc chúng ta thực hiện tốt công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đồng nghĩa với việc người sử dụng thuốc lá và việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá giảm sút. Chính vì vậy, các công ty sản xuất thuốc lá, đặc biệt là các công ty đa quốc gia tìm mọi cách để số người hút thuốc lá và lợi nhuận từ việc sản xuất và kinh doanh thuốc lá tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Bên cạnh thuốc lá truyền thống đã xuất hiện hai loại thuốc lá thế hệ mới là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Để cạnh tranh với thuốc lá truyền thống và tiếp cận với thế hệ trẻ, các công ty này dùng mọi hình thức vận động, thuyết phục, thậm chí can thiệp vào quá trình xây dựng chính sách của các quốc gia, trong đó có Việt Nam để chúng ta thừa nhận và chấp nhận các sản phẩm này được sản xuất, nhập khẩu, lưu hành một cách chính thống trên thị trường.

Song song với công tác quản lý, kiểm soát và ngăn chặn nội dung quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên không gian mạng, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu khuyến nghị: “ Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việc ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu sẽ tốt hơn là cho phép thí điểm, dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường”. Có thực hiện cấm mọi loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam thì chúng ta mới thực hiện được chính sách an sinh xã hội và các cam kết của Việt Nam với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế là phát triển bền vững, không có ai bị bỏ lại phía sau, trước hết là quyền được sống trong một môi trường có không khí trong lành, không bị ảnh hưởng bởi tác hại của thuốc lá đối với tính mạng và sức khỏe của con người.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Hạnh Nguyên, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng: Trên thực tế các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới. Việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên và thanh niên.

Để thu hút người sử dụng, các hãng thuốc lá quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại; kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ như: giá thành rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm; thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước; đóng gói như kẹo; nhiều hương vị... tạo ấn tượng của thanh thiếu niên về sản phẩm- tạo động lực thúc đẩy sử dụng.

Thống kê tại nhiều quốc gia trên thế giới, lượng người chủ yếu sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nằm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Thống kê sau 7 năm nghiên cứu tại Mỹ, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 1,5% (2011) lên đến 27,5% (2018). Ở Romania, tỷ lệ dùng sản phẩm này tăng từ 6,7% (2013) lên 8,2% (2017), ở Italy tăng từ 8,4% (2014) lên 17,5% (2018). Ở Hàn Quốc, chỉ sau một năm ra mắt thị trường, 2,8% thanh niên độ tuổi từ 12 - 18 thừa nhận đã sử dụng thuốc lá nung nóng. 

Phân tích về tác hại của loại hàng cấm này, ThS. Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam – khẳng định, nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm. Chất này còn gây ra biến chứng bất thường ở trẻ sơ sinh như đột tử, giảm thính lực, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.

Đối với trẻ vị thành niên, nicotine gây mất kiểm soát, kém tập trung, trí nhớ giảm sút. Thậm chí, một số loại thuốc lá còn tiềm ẩn nguy cơ trộn ma túy, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của người hút. Chính vì vậy, cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc của giới trẻ đối với mặt hàng này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận: “Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, WHO không xác nhận thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện”.

Thanh Tùng

Nên đọc