Khó kêu gọi vốn đầu tư
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Chỉ thị được ban hành sau khi Thủ tướng có Quyết định số 19 ngày 17-6-2020 về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC.
Chỉ thị 39 nêu rõ việc triển khai hệ thống thu phí ETC được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí; văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông; tiết kiệm chi phí xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT quyết định tạm dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu ETC theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an và các lực lượng chức năng xử lý nghiêm với lái xe cố tình vi phạm pháp luật, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trong giai đoạn 1, có 44 trạm BOT đã thực hiện thu phí theo hình thức ETC. Tuy nhiên đến nay, cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện dán thẻ ETC. Chưa kể, tỉ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản thu phí để sử dụng cũng chỉ mới 20%.
Như vậy, với tiến độ này, nhiều khả năng mục tiêu chuyển 100% các trạm thu phí áp dụng ETC vào cuối năm 2020 theo Quyết định 19/2020 là khó hoàn thành.
Tích cực đẩy nhanh tiến độ dự án dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng..
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, do nhiều vướng mắc, đặc biệt là nguồn vốn. Vốn ngân sách nhà nước không có, không vay được vốn nước ngoài. VEC chỉ còn duy nhất nguồn thu phí để trả nợ. Hệ thống thu phí tự động không dừng là một bộ phận của dự án cao tốc nên Bộ GTVT đề xuất cho VEC sử dụng nguồn thu phí của các dự án để đầu tư và trả chi phí vận hành hệ thống thu phí không dừng.
Cùng với đó, theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN), việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng có nhiều khó khăn vướng mắc, nguyên nhân do hình thức thu phí này rất mới với Việt Nam.
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ phương tiện giao thông, bảo đảm liên thông, thuận lợi, an toàn.
Phía Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại có giải pháp bảo đảm tính liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Bộ Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp tự tổ chức thực hiện không khả thi, các địa phương có thể lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí đã được Bộ lựa chọn để đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ và kết nối liên thông trong toàn hệ thống thu phí ETC.
Để giải quyết nút thắt nguồn vốn, theo Thứ trưởng Thọ, Bộ đã nhiều lần làm việc với VEC để tìm giải pháp. Tuy nhiên, do VEC là doanh nghiệp nhà nước nên các vấn đề này sẽ phải có cơ chế đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải và VEC đang nghiên cứu để trình cơ chế xin các cấp có thẩm quyền.
Bộ Tài chính cũng cho rằng để thu phí ETC có sự thay đổi đột biến đúng như kỳ vọng, ngoài các giải pháp mang tính chế tài, cần có giải pháp thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán phí BOT của người dân.