Tại “Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông, thủy sản Việt Nam - Liên bang Nga”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo. Nhập khẩu từ Nga chủ yếu thủy sản, lúa mỳ, phân bón, gỗ, gần đây là các sản phẩm thịt, sữa.
Theo Bộ NN&PTNT, thủy sản (gồm các mặt hàng cá tra, tôm, cá ngừ, surimi, cá khô) là ngành có lợi thế mũi nhọn của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn do Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga cấp phép rất “cầm chừng”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Nga là thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp của Nga cũng xuất khẩu thủy sản và thịt heo sang Việt Nam.
Ngoài thủy sản, các sản phẩm như: Hạt điều, cà phê, hồ tiêu, chanh, xoài, bưởi, thanh long là nông sản chủ lực của Việt Nam có thị trường ổn định tại Nga.
Cũng trong diễn đàn, ông Sergey Levin, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga đưa ra đề nghị hai bên tiếp tục tập trung vào tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và cùng tìm cách tăng số lượng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để gia tăng giá trị thương mại nông sản song phương. Đồng thời, hai bên cần tích cực phối hợp để thông tin kịp thời cho nhau các vướng mắc trong công tác kiểm dịch động thực vật nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho rằng, thời gian tới, Việt Nam và Nga cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn về các cơ chế, hoạt động hợp tác thương mại nông, thủy sản để biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên cần lưu ý tận dụng Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU FTA), trong đó Nga là thành viên chủ yếu quan trọng. Rất nhiều mặt hàng nông sản hai bên được hưởng mức ưu đãi thấp, có mặt hàng thuế đã giảm về 0% sau khi hiệp định này có hiệu lực.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, hai bên nên tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, cụ thể phía Việt Nam là thủy sản, cà phê, chè, tiêu, trái cây, cao su… phía Nga là các sản phẩm thịt, lúa mỳ, phân bón, sữa…
Bộ NN&PTNT cũng sẽ xây dựng các đầu mối để tăng cường thông tin giữa 2 bên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật cho doanh nghiệp.
Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, Nga là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam với sức tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga còn hạn chế, thủ tục đăng ký phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài... việc giải trình và khắc phục đối với những lô hàng bị cảnh báo, gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn chưa được xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng đến quy trình xuất khẩu của doanh nghiệp.
Điển hình, có 22 doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu vào Nga, nhưng trong số đó có 10 doanh nghiệp bị tạm ngưng xuất khẩu, có doanh nghiệp từ năm 2014 vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo bà Tô Tường Lan, các cơ quan hai nước cần tăng cường trao đổi hợp tác, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại trong thời gian tới; rút ngắn thời gian giải trình lô hàng bị cảnh báo để các doanh nghiệp sớm xuất khẩu trở lại.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga nêu ý kiến: Để tiếp tục thúc đẩy thương mại nông, thủy sản sang Nga, các doanh nghiệp cần tham gia vào các triển lãm lớn của Nga hàng năm để tìm hiểu thị trường. Nếu doanh nghiệp làm tốt khâu thị trường, sẽ tăng được lượng hàng hóa xuất khẩu sang Nga.