Theo Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ về khai thác thủy sản đã được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả, góp phần làm tăng sản lượng khai thác hải sản hàng năm cũng như phục vụ cho việc triển khai các chương trình khai thác hải sản xa bờ, chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản.
Trong đó, các nghiên cứu đã tập trung vào 3 mảng chính, gồm: nghiên cứu và cải tiến ngư cụ, quy trình kỹ thụât khai thác phục vụ sản xuất; nghiên cứu về các trang thiết bị phục vụ khai thác; nghiên cứu ứng dụng ngư cụ chọn lọc phục vụ cho công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các nghiên cứu đã mang lại nhiều kết quả đáng kể khi ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Tiêu biểu, về Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã tích cực triển khai chuyển giao ứng dụng các công nghệ thông minh, cơ giới hóa trong khai thác hải sản và nhận được sự hưởng tích cực của ngư dân trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển giao này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, khởi động quá trình chuyển đổi số trong khai thác hải sản không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn khẳng định được tính minh bạch trong hoạt động khai thác hải sản hợp pháp của ngư dân trong tỉnh.
Đến nay, việc tăng cường ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ thông minh, công nghệ mới trong khai thác hải sản của ngư dân trong tỉnh được thực hiện phổ biến như: máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh, thiết bị giám sát hành trình, máy tời thủy lực, máy dò cá, hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, đặc biệt, ứng dụng hệ thống lái tự động trên tàu cá là ứng dụng công nghệ tự động tiên tiến nhận được sự hưởng ứng từ ngư dân.
Thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND tỉnh ngày 7/4/2023 về thực hiện chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 trên cơ sở định hướng tái cơ cấu ngành, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản và Kế hoạch triển khai chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và PTNT.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, cơ giới hóa vào hoạt động đánh bắt hải sản như: tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật mới cho chủ tàu, ngư dân chủ chốt; tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư ứng dụng các công nghệ thông minh trong đánh bắt hải sản và hoạt động trên biển; triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quy định hoạt động khai tác hải sản...
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 184/192 tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 95,83%. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá giúp cơ quan chức năng theo dõi được hành trình di chuyển trên biển của tàu cá, xác định được vị trí đánh bắt. Nhờ đó, công tác tìm kiếm cứu nạn được dễ dàng hơn nếu gặp sự cố trên biển. Hiện nay, tất cả các cảng cá, đồn biên phòng đều theo dõi được hành trình tàu cá hoạt động trên biển. Hệ thống chính giám sát cấp tỉnh được đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị.
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá cùng với áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử giúp cho việc thực hiện công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được thuận lợi hơn rất nhiều. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 tàu đánh bắt xa bờ khai nhập ra và 4 tàu khai nhập vào. Hiện Chi cục Thủy sản đã tổ chức được 3 lớp tập huấn cho các chủ tàu ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử...
Việc tăng cường ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu của quá trình sản xuất thủy sản trên địa bàn hiện nay là phù hợp với mục tiêu đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại và bền vững, không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình sản xuất trên biển.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực khai thác thủy sản, theo Vụ Khai thác Thủy sản, công tác nghiên cứu trong thời gian tới cần tập trung vào mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng, đưa ra được các quy trình, công nghệ khai thác tiên tiến có hiệu quả, mang tính chọn lọc cao cho các đội tàu khai thác hải sản và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đề xuất được các mô hình tổ chức khai thác hiệu quả, đảm bảo khai thác có trách nhiệm, phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, định hướng nghiên cứu sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển nghề cá xa bờ. Nghiên cứu công nghệ khai thác phù hợp với ngư trường, nguồn lợi nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi ven bờ; nghiên cứu chuẩn hóa các mẫu tàu cá, vật liệu đóng tàu, các trang thiết bị phục vụ khai thác trên tàu cá nhằm từng buớc hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với loại nghề, đối tượng khai thác. Nghiên cứu các cơ sở khoa học (tàu thuyền, mùa vụ khai thác, đối tượng khai thác, ngư cụ khai thác,...) phục vụ cho việc quản lý nghề cá. Song song với đó, nghiên cứu xây dựng các mô hình quản lý thích ứng với điều kiện cá Việt Nam; chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất, chuyển giao các công nghệ khai thác hải sản tiên tiến cho cộng đồng ngư dân ven biển.