Đáng lo hội chứng mất ngủ ở người trẻ

(NTD) - Thói quen xấu trong sinh hoạt cùng áp lực từ công việc và học tập đã khiến số người rơi vào bệnh rối loạn giấc ngủ ngày càng nhiều và gia tăng ở độ tuổi 18-35 tuổi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo “nếu tình trạng diễn ra lâu dài, người bệnh có thể bị tâm thần, khiến kết quả làm việc và học tập giảm sút…

Càng trẻ càng dễ mất ngủ?!

Bắt đầu bán hàng qua mạng cách đây ba tháng, chị Lê Thị N. 24 tuổi ở Bình Chánh luôn trong tình trạng uể ỏa, đôi mắt thâm quầng. Không những vậy, thời gian gần đây chị còn có nhiều biểu hiện sức khỏe giảm sút, dễ bực dọc, cáu gắt với mọi người, việc này khiến gia đình lo lắng và đưa chị đi khám tại Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM.

Tại đây, bác sĩ cho biết nguyên nhân là do chị mất ngủ kéo dài, cộng với đặc thù công việc của chị N. thường xuyên phải tiếp xúc với thiết bị điện tử khiến mắt bị ảnh hưởng. “Để cạnh tranh, tôi phải thức khuya để chăm sóc tư vấn khách đặt hàng, rồi chuẩn bị hàng để hôm sau gửi sớm cho khách nên khi xong việc cũng đến 1-2 giờ sáng. Đến khi vào giường thì không thể nào ngủ được, mắt thì cay và xốn do mãi nhìn vào màn hình điện thoại…”, chị chia sẻ.

Hình minh họa.

Đưa con gái chỉ mới 21 tuổi đến khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bà Nguyễn Thúy T. ở Q9 cho biết con chị bị mất ngủ từ gần sáu tháng qua, tối đến không ngủ được, thường trằn trọc đến 2-3 giờ sáng mới ngủ. Vì thế, chuyện học và sức khỏe của cô gái bị ảnh hưởng. Bác sĩ chẩn đoán “bị hội chứng rối loạn lo âu dẫn đến mất ngủ”. Nguyên nhân của bệnh này là người bệnh lúc nào cũng lo sợ điều xấu sẽ xảy ra với mình”. Bà T. cũng chia sẻ một phần cũng vì gia đình đặt kỳ vọng nhiều vào con gái khiến cô bị áp lực.

Cũng tại bệnh viện này, em Hà Kim N. 18 tuổi, ở Q.7 được gia đình đưa đi khám bệnh do em bị mất ngủ gần bốn tháng. “Sắp đến kỳ thi THPT nên em rất áp lực, mệt mỏi. Vì muốn có kết quả tốt để được xét tuyển vào các trường đại học nên em lao vào học. Vì sợ thiếu hụt chỉ tiêu ở các trường nên em lúc nào cũng cảm thấy lo lắng, không ngủ được, lúc ngủ rồi nhưng khi giật mình thức giấc thì rất khó ngủ lại…”, N kể.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Thần cho biết với một người trưởng thành mỗi đêm cần 7-8 giờ để ngủ. Vì vậy, mất ngủ khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, năng suất công việc, học tập giảm sút bởi đồng hồ sinh học bị thay đổi. Ngay cả có ngủ bù vào ban ngày thì giấc ngủ cũng chập chờn, không sâu giấc. Ngoài ra, xáo trộn giấc ngủ còn kéo theo nhiều bệnh lý về thần kinh như trầm cảm, rối loạn tâm thần, huyết áp, nhồi máu cơ tim, béo phì… Thậm chí, trạng thái không tỉnh táo còn gây tai nạn giao thông và tai nạn lao động.

Cần điều trị đúng cách

Theo giới y khoa độ tuổi giới trẻ mất ngủ có xu hướng gia tăng nhanh, nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn giấc ngủ là do căng thẳng quá mức trong công việc, sử dụng quá độ chất kính thích, rượu bia và sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Thậm chí, do ỷ lại vào sức khỏe nên người trẻ xem nhẹ việc ngủ đúng giờ. Vì thế, tình trạng rối loạn giấc ngủ ở giới trẻ ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, khi bị mất ngủ người bệnh sẽ có những dấu hiệu rối loạn, khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì và quay lại giấc ngủ. Đây là chứng bệnh khó chữa và khó nhận ra, nếu mất ngủ ở mức độ nhẹ nhưng không điều trị kịp thời sẽ chuyển qua mạn tính, khó chữa. Từ việc mất ngủ kéo dài, nhiều người tự điều trị bằng cách uống rượu, bia cho dễ ngủ. Nhưng các bác sĩ khuyến cáo việc lạm dụng rượu bia để dễ ngủ là sai. Khi sử dụng liên tục và kéo dài sẽ khiến cơ thể trở nên nghiện rượu, ngủ không sâu, sau khi dậy sẽ mệt mỏi và đau đầu.

Mỗi tháng, Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận hàng trăm trường hợp đến điều trị bệnh mất ngủ, trong đó phần đông là giới trẻ có thói quen thức khuya chơi game hay làm việc khác, rồi không ngủ đúng giờ dẫn đến mất ngủ.

Bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y dược cho biết, nhiều người bị mất ngủ còn có thói quen ra cửa hàng thuốc để mua thuốc an thần, thuốc ngủ điều trị. Tuy nhiên, cần phải hết sức cẩn trọng do thuốc có thể gây nghiện. Nếu lạm dụng thuốc ngủ còn gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chậm chạp, gây giảm trí tuệ và mức độ tập trung vào công việc kém, nặng hơn có thể gây rối loạn tâm thần. Chính vì vậy, cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trường hợp mất ngủ do stress cần khắc phục bằng cách thư giãn như nghe nhạc, chơi thể thao hoặc đi du lịch.

Đồng thời, để điều trị bệnh rối loạn giấc ngủ cần có lối sống lành mạnh, ngủ đúng giờ và ăn các loại thực phẩm có lợi cho giấc ngủ như rau xanh có nhiều magie và kẽm, cơ thể tự điều tiết và cân bằng để có được giấc ngủ sinh lý. Trường hợp cơ thể không tự điều tiết được thì dùng đến thảo dược và bệnh nặng mới bắt buộc dùng thuốc tây.

Để tránh rối loạn giấc ngủ:

+ Sinh hoạt theo thời gian biểu cố định, vận động cơ thể thường xuyên

+ Hạn chế các chất kích thích như cà phê, trà và bia rượu

+ Tăng khẩu phần rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ, magie và kẽm

+ Tập thói quen đi ngủ sớm và thức dậy sớm theo đúng khung giờ

Minh Việt

Nên đọc