Đà Nẵng: Nhà tư vấn cảng biển chưa thống nhất chọn Tiên Sa hay Liên Chiểu?

(NTD) - Các nhà tư vấn trong và ngoài nước không đạt được sự thống nhất về phương hướng phát triển cảng biển Đà Nẵng trong tương lai: Người chọn Tiên Sa, đơn vị khác lại muốn Liên Chiểu.

 

Hội thảo Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Hội thảo quốc tế “Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn TP Đà Nẵng” chiều 7/11 có sự tham dự của các nhà tư vấn quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), công ty Royal Haskoning DHV của Hà Lan, thành phố Yokohama kết nghĩa với Đà Nẵng, hãng tư vấn Japan Port và các đơn vị trong nước như Cục Hàng hải, Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng – Đường thủy (TediPort), Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), Cảng Đà Nẵng, Hội Cầu đường, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Liên hiệp Hội Khoa học – Kỹ thuật Đà Nẵng… 

Những vấn đề như thiếu thông tin, chưa đủ dữ liệu, chưa tính toán được nguồn hàng, chưa lên được phương án đầu tư và chưa khái toán được chi phí đầu tư cảng Tiên Sa hay nên chọn cảng Liên Chiểu… khiến cuộc hội thảo đưa ra hai giải pháp khác nhau. 

Nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng nên xây dựng cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ để đến năm 2025 có thể đưa vào sử dụng. Đồng thời, biến cảng Tiên Sa thành một cảng biển xanh, phục vụ du lịch.

Ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cho rằng phải triển khai dự án cảng Liên Chiểu ngay và luôn, để đến năm 2025, chuyển hàng hoá từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu, vì hiện tại cảng Tiên Sa đã và đang quá tải.

Được biết rằng việc xây dựng cảng Liên Chiểu phục vụ vận tải hàng hóa vốn được xem là một dự án hạ tầng tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án cũng đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một góc cảng Tiên Sa

Trong khi đó, lại có những đề xuất cho rằng không nên xây dựng cảng Liên Chiểu mà tập trung mở rộng cảng Tiên Sa với 14 bến cảng, chiều dài bờ cảng là 5,8km. Hãng Surbana Jurong của Singapore - dơn vị tư vấn độc lập quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng - nghiêng về lựa chọn cảng Tiên Sa.

Cụ thể, Đà Nẵng cần mở rộng vùng mặt nước từ cảng Tiên Sa hiện nay đến chân cầu Thuận Phước với chiều dài bờ biển gần 6 km, khu biệt các cầu cảng hàng hoá và cảng tàu du lịch biển. Đồng thời, tăng cường khả năng kết nối từ cảng Tiên Sa đến các tuyến đường vận tải liên tỉnh, liên khu vực phía Tây thành phố.

Theo đơn vị tư vấn độc lập Surbana Jurong, việc mở rộng cảng Tiên Sa hiện nay cần giải phóng mặt bằng, và quy hoạch một vùng đệm để làm cảng phục vụ tàu du lịch biển, không ảnh hưởng đến hoạt động cảng hàng hoá. Đơn vị tư vấn đề nghị hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng tính liên kết nhằm giảm tải cho các trục đường xuyên tâm.

Surbana Jurong đề xuất UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Giao thông Vận tải thận trọng khi xem xét các phương án bởi khi xây dựng cảng cần bảo đảm tầm nhìn từ 50 năm trở lên, làm sao có thể bảo vệ môi trường vịnh Đà Nẵng để phát triển du lịch bền vững của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu tại hội thảo

Các đơn vị tư vấn cũng đưa ra ý kiến rằng để lựa chọn nên xây dựng cảng Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa, cần phải so sánh chi phí đầu tư, vòng đời dự án... Bên cạnh đó, vào mùa mưa, cảng Tiên Sa phải chịu tình trạng bùn loãng nhiều, lượng sa bồi lớn. Để nâng cấp cảng lên đáp ứng tàu trọng lượng 100.000 tấn sẽ phải tốn khoản chi phí khổng lồ. Việc phát triển cảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế khu vực, cấu trúc đô thị, mạng lưới giao thông, vì vậy, đơn vị tư vấn cần đánh giá toàn diện để đưa việc phát triển cảng vào quy hoạch chung của thành phố. 

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị nhà tư vấn sớm khẳng định phương án. Ông nói: "Đề xuất của nhà tư vấn còn thiếu cơ sở ban đầu, chưa thuyết phục. Đề nghị nhà tư vấn cần lưu ý hết sức về thời gian, khẩn trương tính toán, bằng bất cứ đề xuất nào thì mục tiêu cuối cùng là tạo động lực phát triển kinh tế mới cho Đà Nẵng”.

Tiêu Dao - Thế Sơn

Nên đọc