Thanh toán ở Việt Nam, tiền chảy về Trung quốc
Để phanh phui những hoạt động này, chúng tôi đã theo chân đoàn du khách suốt một ngày từ 7 giờ đến 20 giờ ngày cuối cùng họ ở TP này.
Theo HDV VN của đoàn khách đến từ Hàng Châu (TQ), toàn bộ chi phí họ bỏ ra cho 6 ngày 5 đêm tham quan, ăn ở và di chuyển ở ĐN cùng vé máy bay khứ hồi Hàng Châu - Đà Nẵng chỉ khoảng 1.000 Nhân dân tệ (tương đương 3,7 triệu đồng).
Một mức giá rẻ không tưởng, chỉ bằng 1/5 nếu người Việt sang du lịch tại Hàng Châu với lịch trình giống vậy. Ngay cả du lịch trong nước, tuyến TP.HCM - Đà Nẵng cũng không thể có giá này. Vậy thì làm cách nào các hãng lữ hành, công ty du lịch kiếm lời để tồn tại?
Nhân viên đang dùng máy Pos quẹt tính tiền và in hóa đơn thanh toán cho khách bằng tiếngTQ |
Câu trả lời cũng giống như những tour 0 đồng tràn lan trước đây đã bị cấm: Đưa khách vào các điểm mua sắm và ăn chia từ đây. Ngày tôi theo chân đoàn khách này là ngày cuối cùng họ ở VN và lịch trình hoàn toàn là mua sắm và… mua sắm. Tại các điểm này, giá cả rất đắt, nhiều món hàng giá gấp 4,5 thậm chí 10 lần bên ngoài để bù lại chi phí giá tour rẻ hơn giá trị thực nhiều lần.
Như một vòng tay trầm hương cùng loại tôi đang dùng ở các điểm du lịch, sân bay chỉ bán từ 5-15 triệu đồng thì tại các điểm đón khách TQ, giá bị đẩy lên 35-100 triệu đồng. Dù có trả 1/3 hay 1/2 giá niêm yết thì cũng “dính chưởng” .
Toàn bộ các điểm mua sắm này đều cấm quay phim, chụp hình do sợ lọt giá, kiểu cách làm ăn ra ngoài và nhất là lộ những mánh lới làm ăn phi pháp. Ngoài HDV, tất cả các điểm này chỉ đón khách TQ và không cho khách VN vào tham quan, mua sắm. Nếu không đi theo đoàn hoặc được HDV dẫn vào, chẳng người VN nào lọt được vào đây.
Các cửa hàng thông báo sẵn sàng chấp nhận quẹt QR code của Weichat và Alipay |
Tại trung tâm Tam… biển báo chấp nhận quét QR trên ứng dụng smartphone của WeChat Pay và Alipay được bày công khai. Nhiều giờ liền ở trung tâm mua sắm Tam…, tôi chưa thấy giao dịch nào bằng tiền Việt hoặc quẹt thẻ tín dụng trên máy POS của ngân hàng Việt Nam.
Toàn bộ được trả thẳng bằng Nhân dân tệ, quét QR của WeChat Pay hay Alipay và quẹt thẻ tín dụng trên thiết bị POS màu xanh da trời của ngân hàng Trung Quốc. Do lo sợ việc những người như tôi “đột nhập” quay phim, chụp hình làm bằng chứng vi phạm, nhân viên của trung tâm này mặc đồng phục lẫn thường phục đứng khắp nơi, luôn canh chừng và nhắc nhở bất cứ ai có biểu hiện quay clip hay chụp ảnh.
Nhân viên bán hàng cầm máy POS quẹt thẻ của NH Trung Quốc cho khách hàng thanh toán
Camera cũng giăng khắp chốn, chỉ cần nghi ngờ tôi chụp ảnh biển báo chấp thuận quét QR, nhân viên của Tam... luôn kè kè theo sau chỉ đến khi thấy tôi cũng mua sắm, xem hàng như các du khách TQ họ mới “buông tha”. Để có được những clip cùng hình ảnh làm bằng chứng, có lẽ chưa bao giờ tôi lại tác nghiệp khó khăn như vậy dù mang theo những thiết bị chuyên dụng ít ai ngờ là camera.
Một nhân viên người TQ tại cửa hàng đang giới thiệu sản phẩm cao su cho nhiều du khách
trong một phòng kín
Các điểm mua sắm cảnh giác và cẩn thận như vậy vừa đề phòng đối thủ cạnh tranh vừa canh chừng các cơ quan chức năng có chứng cớ để xử phạt những việc làm sai phạm của họ. Trên giấy tờ, đại đa số các điểm đều đứng tên người Việt nhưng vào toàn bộ những điểm trên, từ cấp quản lý đến những vị ra dáng là ông chủ do cách sai bảo nhân viên đều là người Trung quốc.
Việc chấp nhận giá bán, giảm giá hay khuyến mãi cho khách cũng do những người TQ ở đây quyết định sau khi trao đổi với HDV “chui” cũng là người TQ!
Còn ở nơi bán nệm, gối cao su của công ty T… thẻ tín dụng của các ngân hàng TQ được dùng thoải mái. Riêng việc mua hàng trả bằng nhân dân tệ thì được xem như đương nhiên.
Vi phạm pháp luật trắng trợn!
Tất cả những phương thức thanh toán trên đều vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng do những nơi này chỉ đón khách TQ, tôi phải vào vai du khách và “câm nín” hoàn toàn, không để lộ thân phận người Việt mới có được những clip, hình ảnh chứng minh.
Khi thanh toán bằng cách quét QR hay quẹt thẻ tín dụng của ngân hàng Trung Quốc, tiền sẽ chuyển toàn bộ về TQ mà các DN VN, ngân hàng và cơ quan quản lý không thể làm gì cũng như chẳng biết ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài như thế nào.
Vi phạm trắng trợn này không chỉ làm mất nguồn thu, tiền chảy ra nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, pháp luật bị coi thường và gây “ảo tưởng” về khách quốc tế nhiều nhưng thật sự thu chẳng bao nhiêu.
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, trả lời phóng viên Báo Người Tiêu Dùng tại kỳ họp thứ 7 HĐND khóa 9. |
Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: Theo pháp lệnh quản lý ngoại hối của Nhà nước Việt Nam công bố thì trên đất nước Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam mới đúng. Không được phép giao dịch các loại ngoại tệ khác, nếu là khách Trung Quốc thì phải quy đổi ra tiền Việt Nam để chi tiêu thanh toán các loại dịch vụ khác mới đúng, nếu chúng tôi phát hiện ra các giao dịch, thanh toán bằng ngoại tệ bằng tiền không đúng quy định thì chúng tôi sẽ xử phạt ngay. Cuối cùng Ông Võ Minh khẳng định rằng, có nghe báo cáo nhưng chưa phát hiện ra. Bên cạnh đó, cho đến hiện nay chưa phát hiện bất cứ một vụ việc nào vi phạm liên quan đến ngoại hối đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít DN lữ hành ở Đà Nẵng, đại diện pháp luật là người VN nhưng chủ thật sự lại là người TQ. Họ tổ chức hoặc nhận khách từ TQ, sang VN ăn ở, ngủ nghỉ và mua sắm cũng chủ yếu vào các cơ sở của người TQ đứng đằng sau, tiền thu được theo các hình thức trên thì tiền lại hoàn về quê hương họ. Trên các con số thống kê và báo cáo, lượng khách TQ đến VN nhìn rất đẹp và hoành tráng nhưng với những gì đang diễn ra ở Đà Nẵng thì ngành du lịch và nền kinh tế VN thu về không đáng kể, bất tương xứng với tiềm lực hiện có.
Những vấn nạn trên đã từng nhiều lần được phản ánh đến các cơ quan ban ngành của TP. Đà Nẵng. Nhưng thực tế thì chúng tôi ghi nhận qua bài điều tra này. Chẳng lẽ các cơ quan quản lý bất lực ?
Mời các bạn đón đọc các ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở Đà Nẵng trong bài tiếp theo!
Nguyễn Phan- Trần Phong