Đà Nẵng cho phép thí điểm khai thác xuất khẩu cá nóc |
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì thực hiện. Đề án được triển khai với mục tiêu quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu 100% cá nóc thành phẩm, đảm bảo quy trình khép kín; tránh lãng phí nguồn lợi cá nóc có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao; tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tạo việc làm, thu nhập cho công nhân, ngư dân.
Theo ngư dân, sản lượng cá nóc tại vùng biển miền Trung rất lớn và trong các mẻ lưới, cá nóc vẫn lẫn vào rất nhiều, thường chiếm khoảng 10% sản lượng nghề lưới kéo (đạt khoảng 20.000 tấn/năm) hoặc có ngư trường sản lượng cá nóc chiếm 20 - 30% sản lượng nghề lưới kéo.
Qua kết quả phiếu điều tra và phỏng vấn nắm tình hình khai thác, tiêu thụ cá nóc đối với các chủ tàu cá và các hộ kinh doanh thủy sản khu vực Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang, cho thấy: Cá nóc ở vùng biển miền Trung có quanh năm, vụ Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm) cá nóc nhiều hơn vụ Bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), sản lượng cá nóc lẫn vào trong các mẻ lưới, tập trung chủ yếu ở các nghề lưới kéo, vây, mành, câu, rê 3 lớp, nhiều nhất là nghề lưới kéo; sản lượng cá nóc ước đạt 3-5 tấn/ngày.
Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc được triển khai với mục tiêu quản lý hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu 100% cá nóc thành phẩm, đảm bảo quy trình khép kín; tránh lãng phí nguồn lợi cá nóc có sản lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao; tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản và tạo việc làm, thu nhập cho công nhân, ngư dân. 100% cá nóc sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu, không tiêu thụ trong thị trường nội địa
Dự kiến sản lượng thu mua, chế biến cá nóc từ 1.200 tấn - 1.500 tấn/năm; sản lượng cá nóc thành phẩm là 500 tấn/năm; xuất khẩu 100% cá nóc thành phẩm đến các thị trường tiêu thụ dự kiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và đem lại hiệu quả kinh tế giá trị xuất khẩu cá nóc thành phẩm ước đạt từ 22 - 25 tỷ đồng/năm; Tạo thêm việc làm, thu nhập cho công nhân chế biến thủy sản, ngư dân, công nhân cơ sở thu mua thủy sản, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Trước đó, Bộ NN&PTNT đã thực hiện đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015. Tuy nhiên, kết quả triển khai không như kỳ vọng. Về chỉ tiêu xuất khẩu, dự kiến trong đề án là từ 6.300-6.720 tấn nhưng sản lượng xuất khẩu thực tế chỉ đạt 112,6 tấn (1,7%). Trong đó, 2 tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và Kiên Giang không xuất khẩu được ký cá nóc nào.
Có 5 địa phương tham gia đề án gồm Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hoà, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang thì có tới 4 nơi đề xuất dừng. Nguyên nhân đề án cá nóc chưa mang lại hiệu quả là do sản lượng cá nóc khai thác không ổn định, nhiều chủng loại, tỉ lệ cá nóc đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu rất thấp. Riêng Khánh Hòa vẫn đề nghị tiếp tục do đã có đầu ra xuất khẩu tương đối ổn định sang Hàn Quốc.
Độc tố có trong cá nóc là tetrodotoxin; tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7). Trong thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt. Với người, ăn chỉ 10 g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim… với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm.
Tuy phần lớn các loại cá nóc có chứa độc tố, nhưng ở một số quốc gia, cá nóc được sử dụng làm thực phẩm vì thịt khá ngon. Tại Nhật Bản, cá nóc được dùng làm nguyên liệu chế biến những món ăn cao cấp. Có khoảng gần 40 loài cá nóc được sử dụng để chế biến món ăn ở Nhật Bản và lượng cá tiêu thụ có thể lên đến 10.000 tấn mỗi năm.
Thế Sơn