Đã có chuyển biến tích cực trong giải ngân đầu tư công

(CL&CS) - So với các tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng và ước 7 tháng đã có sự chuyển biến tích cực. Lũy kế thanh toán vốn kế hoạch từ đầu năm đến ngày 31/7 là hơn 216.538 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng năm 2020, lũy kế thanh toán vốn kế hoạch từ đầu năm đến ngày 31/7 là hơn 216.538 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch. Vốn trong nước là hơn 191.898 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch), vốn nước ngoài là hơn 13.025 tỷ đồng (đạt 19,5% kế hoạch), vốn chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 11.614 tỷ đồng (đạt 39,8% kế hoạch). Trong khi đó, 5 tháng đầu năm tỉ lệ giải ngân cả nước so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 26,2%.

Bộ Tài chính cho biết, đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khi nhiều công trình phải tạm dừng thi công.

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/7, có 12 bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó Bộ Nội vụ (62,85%), Hội Nhà báo Việt Nam (59,51%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%), Ngân hàng Phát triển (61,09%); Các địa phương như Tiền Giang (73,98%), Nghệ An (69,23%), Lạng Sơn (63,44%), Hưng Yên (58,19%), Ninh Bình (56,85%), Phú Thọ (56,33%)…

Bên cạnh các bộ, cơ quan Trung ương và một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, trên 55% thì vẫn còn 24 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%. Trong đó, có 10 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Đáng lưu ý, có một số đơn vị chưa giải ngân đồng vốn nào như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng chậm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho rằng các Chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc chưa được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khi nhiều công trình phải tạm dừng thi công.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn (28.178,633 tỷ đồng); đồng thời tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án để báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần khẩn trương thực hiện các thủ tục phê duyệt đơn giá, chi phí dự phòng... để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, trường hợp có vướng mắc, làm việc với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn cụ thể.

Khánh Chi

Nên đọc