Cướp biển Somalia thả thủy thủ Việt Nam bị bắt cách đây 4 năm

(NTD) - Chính phủ Somalia ngày 22/10 thông báo nhóm cướp biển ngoài khơi nước này đã thả 26 con tin người châu Á, trong đó có 1 người Việt Nam, là thuyền viên của tàu cá Naham 3 bị bắt cóc từ năm 2012 ở Ấn Độ Dương.

Ngày 23/10, phóng viên Reuters dẫn nguồn tin cho biết những con tin được thả sẽ được đưa đến thủ đô Nairobi của Kenya. Điều phối viên chương trình Đối tác hỗ trợ con tin (HSP) John Steed cho biết, quá trình đàm phán đã kéo dài 18 tháng với sự trung gian của thủ lĩnh các cộng đồng, bộ lạc, tôn giáo, và dẫu không ai nói ra, nhưng số tiền để chuộc con tin là khá lớn. Tuy nhiên, ông không cho biết chi tiết việc này.

Số thủy thủ được thả đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Được biết, tàu Naham 3 treo cờ Oman bị bắt hồi tháng 1/2012 tại vùng biển gần quần đảo Seychelles, khu vực tiếp giáp giữa ba lục địa Á - Âu - Phi và thường xuyên xảy ra các vụ tấn công của cướp biển. Đây được coi là một trong những vụ do cướp biển Somalia tiến hành có thời gian giam giữ con tin lâu nhất. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Galkayo của Somalia cho biết, thuyền trưởng tàu Naham 3 đã bị giết trong vụ tấn công của cướp biển vào năm 2012 và 2 thủy thủ khác thiệt mạng trong thời gian bị giam cầm.

Trực thăng của Hải quân Pháp truy đuổi tàu của cướp biển ngoài khơi Somalia ngày 3/5/2009 (Ảnh: AFP/TTXVN).

 Kể từ năm 2012, mặc dù không có vụ tấn công nào nhằm vào các tàu  thương mại, song vẫn xảy ra một số vụ nhằm vào thuyền đánh cá. Theo điều phối viên Steed, hiện còn 10 con tin người Iran bị bắt vào năm 2015 và 3 con tin người Kenya đang bị cướp biển cầm giữ. Tất cả cũng đã được Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian nộp tiền chuộc, nhưng chưa thành công.Trong khoảng ba năm trở lại đây, số vụ tấn công của cướp biển ngoài khơi Somalia đã giảm đáng kể do sự hiện diện của nhiều tàu quân sự quốc tế. Hơn nữa, những tàu qua lại vùng biển nguy hiểm này đã thuê các công ty bảo vệ an ninh chống cướp biển. Năm 2012, ước tính thiệt hại kinh tế toàn cầu do nạn cướp biển Somalia lên đến 5,7 - 6,1 tỷ USD. Cao điểm là vào năm 2011, có tới 736 con tin và 32 tàu thuyền bị cướp biển Somalia cầm giữ.

Sau vụ thả con tin này, hy vọng nhiều con tin cướp biển đang giam giữ, sẽ được trả tự do trong một ngày gần đây.

                                                                                                        Kim Thoa (Theo Reuters, 10/2016)

Nên đọc