Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) vừa đưa ra thông báo như trên, và cho biết mặc dù trước đây đã có nhiều cảnh báo về tính bảo mật của mạng wifi công cộng, nhiều vụ việc phát sinh thực tế cho thấy người tiêu dùng vẫn chủ quan, thiếu cảnh giác trong việc bảo đảm an toàn thông tin cho chính bản thân. Các vụ tài khoản thẻ hoặc tài khoản ngân hàng bị mất tiền không rõ nguyên nhân trong thời gian gần đây, là một minh chứng.
Một trong những cách thức để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc rút tiền không rõ nguyên nhân đã được các ngân hàng liên tục cảnh báo và hướng dẫn khách hàng cần đăng ký dịch vụ thông báo biến động tài khoản qua tin nhắn điện thoại. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đã không đăng ký sử dụng dịch vụ này. Vì vậy, khi có các giao dịch phát sinh trái phép, người tiêu dùng không được thông báo, không biết nên không kịp liên hệ để ngân hàng tạm khóa tài khoản. Trong khi, nếu kịp thời biết về các giao dịch trái phép, NTD hoàn toàn có thể ngăn chặn thất thoát một phần tiền từ tài khoản của mình.
Giao dịch tài chính qua điện thoại (ảnh minh họa). |
Mặt khác, Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD cũng lưu ý: Việc chụp các hình ảnh có thông tin cá nhân, hoặc thông tin giao dịch để chia sẻ với bạn bè, cũng nên cẩn trọng. Trong thời gian qua, có vụ việc hành khách chụp và chia sẻ vé máy bay trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng đã bị kẻ gian lợi dụng. Theo các chuyên gia, chỉ cần sử dụng phần mềm đơn giản, người ta có thể đọc được những thông tin lưu trữ trên mã vạch của vé máy bay như: Họ tên hành khách, lịch sử bay, tình trạng đặt chỗ, thậm chí một số trường hợp có thể truy cập được thông tin tài khoản mà hành khách sử dụng để giao dịch… Những thông tin này nếu bị lợi dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của NTD.
Ngoài ra, còn có việc NTD bị khuyến dụ thực hiện các chỉ dẫn của kẻ lừa đảo. Nhiều người tưởng rằng cách thức này đã lỗi thời, nhưng hiện nay vẫn được các đối tượng lừa đảo thực hiện. NTD có thể nhận được tin nhắn của người tự nhận là đại diện ngân hàng với lời cảnh báo về những lỗ hổng bảo mật, rồi họ yêu cầu người nhận tin gọi đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí. Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu được cung cấp tài khoản và mật khẩu để xác nhận. Hoặc hình thức tương tự là NTD nhận được email thông báo cần cung cấp thông tin tài khoản để thực hiện một số biện pháp xác nhận của ngân hàng. Rất nhiều người tiêu dùng đã nghe theo và cung cấp chi tiết các thông tin cho đối tượng lừa đảo nên đã bị “sập bẫy” và bị rút tiền mà không hay.
Trước tình trạng trên, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo NTD về trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn thông tin, cần nâng cao cảnh giác và không nên tuân theo hướng dẫn của những người lạ, vì họ có thể giả danh là cơ quan công an đang điều tra một vụ án, yêu cầu NTD chuyển tiền trực tiếp vào một tài khoản được chỉ định “để phục vụ cho việc xem xét điều tra”. Thực tế, đây cũng là những hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Anh Trinh