CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước

(CL&CS) - Giá thịt heo tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước.

Giá thịt heo tăng 4,29% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm.

So với tháng trước, CPI tháng 7/2022 tăng 0,4%, với khu vực thành thị tăng 0,42% và khu vực nông thôn tăng 0,37%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, chỉ duy nhất nhóm giao thông giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm.

Trong tháng 7, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với tỷ lệ 1,37% đã tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.

Nguồn cung gạo trong nước dồi dào do các địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, nguyên liệu đầu vào sản xuất ở mức cao. Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 12.200-15.000 đồng/kg (tăng từ 150-250 đồng/kg so với tháng trước); giá gạo Bắc Hương từ 18.000-21.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.000-21.000 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.000-35.500 đồng/kg.

Giá thịt heo tăng 4,29% so với tháng trước do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/7/2022, giá thịt heo hơi cả nước dao động khoảng 65.000-72.000 đồng/kg, tăng 3.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá thịt heo tăng làm cho giá thịt chế biến, thịt quay, giò chả, thịt hộp… đồng loạt tăng.

Giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,92% so với tháng trước. Bên cạnh đó, giá trứng các loại cũng tăng 3,1% so với tháng trước do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu.

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 7/2022 tăng 1,28% so với tháng trước do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao và tháng 7 là tháng cao điểm du lịch.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 7 tăng 0,79% so với tháng trước chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 1,99%; du lịch ngoài nước tăng 0,32% và khách sạn, nhà khách tăng 0,76% khi nhu cầu du lịch nội địa tăng cao vào dịp hè. Đồng thời, giá thiết bị văn hóa, dịch vụ thể thao, thiết bị dụng cụ thể thao đồng loạt tăng do nhu cầu tăng trong dịp hè.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 7 tăng 0,49% so với tháng trước do giá điện, giá nước sinh hoạt tăng; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng do công sơn tường, lát gạch, xây tường và công lao động phổ thông tăng từ 10-20% khi mức lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7/2022 và nhu cầu xây dựng tăng cao.

Ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7 giảm 2,85% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm. Nguyên nhân đến chủ yếu từ đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/7, 11/7 và 21/7 làm cho giá xăng giảm 8,68% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 4,03%. Nhưng ngược lại, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không, đường bộ, taxi, đường sắt, xe buýt… tăng do đang mùa cao điểm du lịch.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2022 tăng 3,14%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 7/2022 tăng 3,59%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,07%.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

TIN LIÊN QUAN