Nhu cầu sử dụng tôm nhập khẩu của thị trường châu Âu bất ổn do tác động của dịch Covid-19 |
Hầu hết các khu vực ở phía Bắc Âu vẫn còn lo ngại về làn sóng tái bùng phát Covid-19 nên những biện pháp giãn cách có thể lại phải tiếp tục áp dụng. Hiện đang là giai đoạn bất ổn của nhiều ngành, nhất là những ngành phụ thuộc nhiều vào cộng đồng, xã hội. Năm 2020, GDP của châu Âu dự kiến giảm 7,4%.
Khi Covid-19 diễn ra ở châu Âu, một trong những ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp là ngành dịch vụ thực phẩm, trong đó có tôm. Nhiều nước châu Âu phải đóng cửa các nhà hàng, quán bar. Giữa tháng 3/2020, EU trở thành tâm dịch mới của Covid-19. Hầu hết biên giới châu Âu đóng cửa, gồm cả di chuyển trong nội bộ châu Âu. Ngành dịch vụ thực phẩm bị đóng cửa hoàn toàn.
Italy áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 9/3, sau đó toàn châu Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa từ 16/3. Tây Ban Nha được mở cửa trở lại vào 25/5, Hà Lan mở cửa trở lại vào 1/6. Nam Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19, mức độ ảnh hưởng giảm nhẹ hơn ở phía Bắc Âu.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều công ty dịch vụ thực phẩm phải xoay sở thích nghi, các nhà hàng phải bán mang về, các nhà bán buôn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và internet để kích thích doanh số mua hàng trực tiếp. Các chính phủ châu Âu cố gắng bảo vệ ngành sản xuất thủy sản trong nước bằng cách khuyến khích người dân ăn các sản phẩm nội địa mà thông thường vẫn để xuất khẩu (XK).
Đối với khu vực Nam Âu, theo một công ty nhập khẩu (NK) để bán buôn và bán lẻ của Tây Ban Nha, khi dịch vụ thực phẩm đóng cửa và tôm chỉ được bán qua các kênh bán lẻ, xu hướng tiêu dùng sản phẩm tôm tươi ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh và đóng gói ăn liền tăng. Hầu hết các quy cách sản phẩm khác đều chịu ảnh hưởng.
Với xu hướng giảm bớt ăn bên ngoài, nhiều người tiêu dùng châu Âu dành nhiều thời gian hơn để chế biến thức ăn tại bếp. Điều này dẫn tới một số cách thức mới cho DN để thu hút người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng cuối cùng tại EU trên thực tế có giảm do Covid tuy nhiên với tốc độ nhẹ.
Đối với khu vực Nam Âu, trước đây ưa chuộng tôm tươi tự tay chọn mua tại các quầy hải sản tươi hơn là tôm đóng túi mua từ siêu thị (người dân Bắc Âu thích sản phẩm dạng này hơn) tuy nhiên do lo ngại Covid-19 nên người tiêu dùng tại khu vực Nam Âu đã chuyển sang các sản phẩm đóng gói kiểu MAP (dạng đóng gói mà môi trường bên trong túi biến đổi). Tiêu thụ bán lẻ các sản phẩm tôm đóng gói dạng MAP tăng đột biến ở Nam Âu do các quầy và chợ hải sản tươi được coi là khu vực “rủi ro cao” với việc lây nhiễm Covid.
Các nhà hàng ở Nam Âu đã mở cửa trở lại, các công ty bán lẻ đã hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, tại chợ hải sản, giá tôm và các hải sản khác chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Tại Bắc Âu, các kho lạnh tôm hiện vẫn tương đối nhiều và có thể sẽ mất một thời gian nữa để nhu cầu tăng trở lại. Đây là một thực trạng đáng lo ngại đối với nhiều nhà NK và tình hình tại khu vực Bắc Âu cũng khó để đưa ra các dự đoán tiếp theo về thị trường.
Dịch vụ thực phẩm sử dụng tôm tại khu vực Bắc Âu bị ảnh hưởng nặng nề. Phần lớn tôm NK tại đây được chuyển đến các nhà hàng phong cách châu Á. Tại đây, tập trung nhiều người ngồi ăn uống. Tuy nhiên, dịch Covid khiến người to lo ngại rằng các buổi tiệc buffet có thể làm tăng thêm rủi ro về dịch bệnh.
Bên cạnh đó, khả năng về một cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid gây ra cũng khiến người dân hạn chế chi tiêu cho việc đi ăn nhà hàng. Hiện các nhà NK tôm tại Bắc Âu, nhất là những nhà NK chưa tham gia vào phân khúc bán lẻ đang khá dè dặt trong việc NK tôm vì xu hướng thị trường khó dự đoán.
Gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Dịch Covid-19 càng đẩy mạnh thêm xu hướng này. Họ cần sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.
Covid-19 đã có ảnh hưởng nhiều tới ngành tôm: Sản xuất từ trang trại tới nhà máy giảm, logistic bị ảnh hưởng, xu hướng tiêu thụ tôm của người dân châu Âu cũng thay đổi. Khi được hỏi về dự báo trong thời gian tới, các chuyên gia ngành tôm EU cho rằng, sự cạnh tranh tại tất cả các phân khúc kinh doanh tôm sẽ tăng, người tiêu dùng tập trung nhiều hơn tới sản phẩm lành mạnh, bền vững và truy xuất được nguồn gốc, các công ty dịch vụ thực phẩm và nhà cung cấp của họ sẽ còn phải chịu áp lực lâu dài, doanh số bán lẻ (trực tuyến) tiếp tục tăng.
Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ đang được cải thiện hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ. Các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động. Tình hình có vẻ đang khả quan hơn nhưng vẫn khó đưa ra được các dự báo chính xác.
Nguyễn Ngọc