Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, trong đó có cả thị trường chứng khoán. Từ đầu năm đến nay, nhiều đợt đấu giá đáng chú ý đã bị hủy. Dù chưa được xác nhận nhưng Covid-19 được tin là đã “góp phần” không nhỏ khiến đại gia “gặp hạn” khi cố gắng thoát hàng.
Đại gia gần đây nhất “mắc kẹt” khi thực hiện đấu giá cổ phần chính là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Trước đó, SCIC muốn đấu giá hơn 46 triệu cổ phiếu FPT của CTCP FPT với mức giá khởi điểm 49.400 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, phiên đấu giá đã bị hủy. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, nguyên nhân là do vào lúc 16h ngày 6/8/2020, thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc mua cả lô cổ phần của SCIC tại FPT, không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá.
Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn nửa năm đã khiến hàng loạt đại gia “gặp hạn” khi cố gắng thoái vốn khỏi doanh nghiệp mà mình đầu tư. |
“Theo Khoản 9.2 Điều 9 Quy chế bán đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại FPT ban hành kèm Quyết định số 283/QĐ-ĐTKDV ngày 10/7/2020 thì cuộc đấu giá này không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá nên cuộc đấu giá được coi là không thành công” - Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết.
Trước đó không lâu, SCIC cũng thất bại khi cố gắng đấu giá 482.856 cổ phiếu tại CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (SMA) với mức giá khởi điểm 16.700 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân vụ “đổ bể” này tương tự FPT. Đó là không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.
Nhưng đáng chú ý nhất là phiên đấu giá “đắt đỏ” nhất năm cũng thất bại. Theo đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) muốn thoái vốn khỏi CTCP Xuất nhập khẩu Hóa chất Miền Nam (Southchimex). Cụ thể, Vinachem đăng ký đấu giá 461.516 cổ phiếu Southchimex với mức giá rất cao, lên đến 253.300 đồng/cổ phiếu. Đây là lần đấu giá thứ hai của lô cổ phần này.
Tuy nhiên, đến 16h ngày 1/4/2020, là thời điểm kết thúc thời hạn đăng ký tham gia cạnh tranh và nộp tiền cọc mua cổ phần thì phiên đấu giá đã bị hủy. Nhà đầu tư không ngạc nhiên khi phiên đấu giá này bị hủy vì mức giá đưa ra là quá cao. Bản thân Southchimex không có kết quả kinh doanh quá tốt. Cũng giống như công ty mẹ Vinachem, Southchimex chủ yếu hấp dẫn nhờ sở hữu nhiều đất vàng.
Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL) cũng là một trong những ông lớn quyết tâm thoái vốn cổ phần trong năm 2020. Khoản đầu tư đầu tiên nằm trong danh sách cần thoái của PV OIL là CTCP Vận tải Dầu khí Đông Dương (PTT). Hồi đầu năm, PV OIL muốn bán lô 1 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 13.100 đồng/cổ phiếu. Lý do của sự “đổ bể” này vẫn là không có nhà đầu tư nào đăng ký cạnh tranh.
Hồi tháng 4 năm nay, Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3) có kế hoạch đấu giá hơn 63 triệu cổ phiếu CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) với giá khởi điểm 31.931 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá này cũng khiên dư luận chú ý vì mức giá “không tưởng”. Ở thời điểm tháng 4, thị giá VSH dao động từ dưới 17.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng mức giá khởi điểm lại lên tới 31.931 đồng/cổ phiếu. Vì vậy, phiên đấu giá này bị hủy không hẳn chỉ do Covid-19. Có thể còn đến từ mức chênh lệch giá quá cao giữa thị giá và giá khởi điểm.
Đầu năm nay, có vẻ nhiều tỉnh thành muốn thoái vốn khỏi doanh nghiệp đô thị. Nhưng đáng tiếc, nỗ lực của họ đều không thành công vì nhà đầu tư không mặn mà.
UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh Vĩnh Long thất bại khi muốn bán cổ phần tại CTCP Công trình đô thị Bến Tre (BTU), CTCP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu (MTV) và CTCP Công trình Công cộng Vĩnh Long (VLP).
Có thể thấy, động thái thoái vốn qua thị trường chứng khoán của các đại gia đồng loạt thất bại trong những tháng đầu năm 2020. Thời gian này, nhà đầu tư đang rót nhiều tiền vào chứng khoán và vàng. Vì thế, mảng đấu giá đang giảm dần sức hấp dẫn.
Ngân Hà