Công ty chứng khoán Vndirect nhấn mạnh, ở thời điểm hiện tại, với ngành ngân hàng, nợ xấu là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
Theo Vndirect, sau khi đại dịch dịu đi, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi và NIM có thể được cải thiện bằng cách thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng tác động của nợ xấu chỉ có thể được hạn chế khi các ngân hàng thận trọng trong việc thẩm định tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng. Vndirect đánh giá tốc độ hình thành nợ xấu phụ thuộc vào các yếu tố sau.
Thứ nhất là cơ cấu cho vay giữa phân khúc doanh nghiệp và cá nhân. Các ngân hàng với tỷ lệ cho vay mảng bán lẻ cao, nhờ có tập khách hàng đa dạng hơn nên ít rủi ro tín dụng hơn các ngân hàng tập trung cho vay doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của người dân và doanh nghiệp bị giảm, từ đó gây áp lực lên nợ xấu ngân hàng. |
Thứ hai là khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Theo Vndirect, nợ xấu của các ngân hàng có dư nợ lớn đối với các lĩnh vực có rủi ro cao, ví dụ như cho vay tín chấp, được dự báo sẽ tăng nhanh hơn các ngân hàng khác.
Thứ ba là mức độ rủi ro tập trung. Việc phụ thuộc vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn tạo ra rủi ro thất thoát vốn.
Nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng cao đã phủ bóng lên nhiều ngân hàng vào cuối Q2/20. Vndirect cho rằng vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài nửa cuối năm còn lại đến năm 2021, vì các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản cho vay giải ngân trước ngày 23/1/2020, lên đến 12 tháng, mà không cần phân loại lại thành nhóm cho vay rủi ro hơn, nhưng những khoản này có thể phản ánh trên bảng cân đối kế toán thời gian tới.
Trong các ngân hàng Vndirect theo dõi, VCB , ACB và MBB ghi nhận chất lượng tài sản tốt và dự phòng cao. Do đó các ngân hàng này có vị thế tốt hơn để giải quyết các khoản nợ xấu đang gia tăng. TCB đã mạnh tay trích lập dự phòng trong 6T20, giúp tỷ lệ nợ xấu/LLR ghi nhận thấp nhất/cao nhất từ trước đến nay. Mặt khác, tỷ lệ nợ xấu/LLR của VPB thay đổi thấp/cao hơn một chút so với cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, Vndirect kỳ vọng VIB và LPB sẽ tăng trích lập dự phòng và tỷ lệ xóa nợ trong những tháng tới để giảm tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng và cải thiện LLR. Nợ xấu trong phân khúc tài chính tiêu dùng tăng dường như là điều khó tránh khỏi, do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở người Việt Nam trong độ tuổi lao động tăng lên 2,7% trong quý 2/2020 (so với mức 2,2% trong quý 2/2019 và quý 1/2020), mức cao nhất trong thập kỷ qua, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động đã tăng lên gần 1,5 triệu người. Thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch, với thu nhập bình quân hàng tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý 2/2020 giảm 9,2% so với quý trước và 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, Vndirect cho rằng đại dịch sẽ dẫn đến nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, theo quan điểm của Vndirect, nợ xấu gia tăng từ cho vay tiêu dùng không phải là rủi ro của toàn ngành do khả năng thâm nhập vào lĩnh vực này còn thấp - chỉ có bốn ngân hàng có hoạt động kinh doanh tài chính tiêu dùng, trong đó có VPB.
Để đối phó với sự không chắc chắn của đại dịch, FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng của VPB, đã ngừng cho vay đối với các khách hàng mới và thay vào đó là tập trung cho vay các khách hàng hiện tại.
Ngân Hà