Ăn chung mà chấm riêng thì liệu có “kì”?
Có thể nói, dùng chung chén chấm trên bàn ăn đã trở thành một “thói quen bất thành văn” của người Việt. Khi cả nhà cùng ăn cơm, mỗi người dùng một chén chấm riêng sẽ tạo cảm giác xa cách, không thân thiết. Chỉ khi đi ăn ngoài, ngồi với người lạ thì mới làm như vậy. Ngoài yếu tố cảm xúc, việc chấm chung còn đáp ứng được sự tiện lợi nên hầu như gia đình nào cũng ngại thay đổi.
Chị Uyên Thanh (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi sống chung với gia đình chồng, nhà rất đông người nên mỗi bữa ăn đều dùng chung chén nước mắm, nước tương, tương cà, tương ớt… Mấy cái đó mà nếu mỗi người một phần riêng thì phải rửa tới cả chục chén chấm, rất mất thời gian và công sức. Với lại dù sao cũng là người nhà, mình hiểu tình trạng sức khoẻ của nhau hết rồi, tự nhiên chấm riêng thì thấy kỳ cục không quen sao đó.”
Chấm chung trên bàn ăn, nguy cơm lây bệnh luôn chực chờ. |
TS.BS. Võ Hồng Minh Công cho biết trước hết việc chấm riêng trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Càng thân thiết, càng thương yêu thì chúng ta càng nên có ý thức trong việc bảo vệ sức khoẻ của nhau. Dịch bệnh Covid-19 có thể lây qua những giọt bắn chứa virus của nước bọt, nếu một trong những người trong gia đình mắc bệnh mà không biết, vô tư chấm chung cả già lẫn trẻ thì rất nguy hiểm. TS.BS. Võ Hồng Minh Công khuyến khích các gia đình Việt thay đổi thói quen trên bàn ăn để không ảnh hưởng đến người thân và xã hội.
Không chỉ có Covid-19, nhiều bệnh truyền nhiễm khác chực chờ bữa cơm nhà
Cũng theoTS.BS. Võ Hồng Minh Công, Covid-19 cũng chỉ là một trong những bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong những chén chấm chung. Thực tế, các gia đình cần áp dụng thói quen này ngay từ bây giờ cho đến tương lai. Ngoài Covid-19 còn có nhiều virus và vi khuẩn truyền bệnh khác đe dọa sự an toàn của bữa cơm nhà. Trong đó, vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày cũng không thể xem thường. Trong đó, vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây viêm loét dạ dày, tá tràng và nếu không điều trị dẫn đến ung thư dạ dày cũng không thể xem thường. Một số bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, quai bị dễ lây cho những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ trong gia đình. Như vậy, thói quen “dùng chung” trên bàn ăn không phải là “tương thân tương ái”, mà có thể gây ra hậu quả khôn lường đến sức khỏe của bạn và người thân.
TS.BS. Võ Hồng Minh Công -Trưởng khoa Nội Tiêu Hóa Bệnh viện Nhân dân Gia Định |
Trong thời điểm các nhà hàng, quán ăn đang tạm đóng cửa tránh dịch, cơm nhà được xem là sự lựa chọn duy nhất. Các chị em phụ nữ cũng đầu tư rất nhiều dinh dưỡng, thay đổi món ăn đa dạng để vừa tăng cường sức khoẻ, vừa tạo cảm hứng ăn cơm nhà cho các thành viên trong gia đình. Nếu vẫn còn duy trì thói quen dùng chung chén chấm, cơm nhà sẽ không thật sự an toàn như chúng ta vẫn nghĩ. Đâu đó trong những chén chấm ấy ẩn chứa nhiều virus và vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm. Hãy thay đổi thói quen ngay hôm nay và cùng nhau vượt qua giai đoạn quan trọng của Covid-19 với bữa cơm nhà chuẩn an toàn, ăn không lo nghĩ.
Thu Thủy