Đó là khẳng định trong công văn số 15467 của Bộ Tài chính về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính: Công ty Grab Việt Nam thành lập với số vốn ban đầu chỉ 20 tỷ đồng, sau 3 năm hoạt động, Grab Việt Nam đã lỗ 938 tỷ đồng, vậy nguồn tiền này đến từ đâu? Với số lỗ gấp 47 lần vốn của chủ sở hữu như vậy có cần đưa Grab Việt Nam vào diện kiểm soát đặc biệt hay không?
Văn bản trả lời của Bộ Tài chính |
Theo văn bản trả lời của Bộ Tài chính, từ ngày mới thành lập đến nay, nguồn vốn 20 tỷ đồng của Grab Việt Nam chủ yếu là của 3 cá nhân trong nước, hiện nay là của 1 cá nhân (ông Nguyễn Tuấn Anh chiếm 51%) và 1 pháp nhân nước ngoài là Công ty Grab INC chiếm 49%, tương đương 9,8 tỷ đồng.
Sau 3 năm hoạt động (2014, 2015, 2016), kết quả kinh doanh của Grab (đã được kiểm toán) có lợi nhuận âm tới hơn 938 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí tiếp thị, quảng cáo của doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó giá dịch vụ theo đánh giá của người sử dụng là rẻ hơn các hãng taxi truyền thống.
Trả lời Đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết nguồn tiền cung cấp cho hoạt động của Grab Việt Nam là từ công ty mẹ tại Malayxia. Hiện nay trên sổ sách kế toán của Grab Việt Nam thể hiện khoản vay 50 triệu USD từ công ty mẹ và không phải trả lãi vay.
Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính khẳng định, Công ty Grab thuộc trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm.
Cùng một lộ trình nhưng Grab có tới 2 mức giá khác nhau, vì sao? |
Trước đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế tiến hành thanh tra đối với Công ty Grab và Cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định thanh tra thuế tại công ty này với thời kỳ thanh tra năm 2014, 2015, 2016. Kết quả thanh tra, Grab bị xử lý truy thu thuế và phạt hành chính với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Thế Mỹ