Công nghệ blockchain trong cuộc chiến toàn cầu chống thực phẩm bẩn

(NTD) - Hàng năm, ngành công nghệ thực phẩm bị thiệt hại khoảng 40 tỷ USD vì nạn thực phẩm bẩn. Các tập đoàn phân phối thực phẩm lớn đang sử dụng công nghệ mã hóa các giao dịch đồng tiền ảo bitcoin để đối phó với chuyện nan giải này.

Kỹ thuật mã hóa blockchain được xem là hy vọng mới trong công cuộc chống thực phẩm bẩn trên toàn cầu. Tuy nhiên việc quản lý 182 triệu nông trại rau quả, 52 triệu trại nuôi heo và 24 triệu trại nuôi gà - gấp 100 lần số lượng trang trại tương tự ở Hoa Kỳ - là một vấn đề đau đầu cho chính phủ Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Một ly kem trong một ngày hè nóng bức ở Thượng Hải đã làm Mitchell Weinberg có được “trải nghiệm” ngộ độc thực phẩm không thể nào quên trong đời. Nhưng từ “trải nghiệm” đó đã thôi thúc chuyên viên tư vấn thương mại Hoa Kỳ thành lập Inscatech - một mạng lưới toàn cầu chuyên điều tra các vụ làm giả thực phẩm.

Đã 8 năm kể từ ngày thành lập công ty đóng trụ sở ở New York, Weinberg, 52 tuổi, nói rằng Trung Quốc tiếp tục là lãnh địa của những kẻ làm hàng giả đang ngày một gia tăng, nhưng cũng là nơi phát triển các công nghệ để đối phó với nạn đồ giả.

“Chúng tôi phát hiện khoảng 70% các trường hợp giả mạo, nhưng tại Trung Quốc là 100%. Chuyện này lan khắp các tập đoàn hay các nhóm sản xuất thực phẩm và họ làm giả bất cứ thứ gì mà bạn có thể tưởng tượng” - vị chuyên gia này nói.

Công ty của Weinberg đang phát triển kỹ thuật đánh dấu tế bào và dấu tích di truyền để giúp phân biệt các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, phát hiện các sản phẩm giả mạo. Một kỹ thuật khác các công ty đang sử dụng là dùng công nghệ số để theo dõi và ghi nhận hành trình của thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn như thế nào. “Người tiêu dùng và ngay cả các tập đoàn siêu thị ngày nay muốn biết sản phẩm đến từ đâu” - Shaun Rein, giám đốc điều hành của China Market Research Group nói.

“Cơ hội kinh doanh mới”

Các dịch vụ giúp phát hiện các kẻ giả mạo tạo ra một lãnh địa phát triển mới. “Đó là cơ hội kinh doanh khổng lồ. Nó không chỉ quan trọng chỉ ở Trung Quốc mà còn là toàn cầu bởi các công ty thực phẩm Trung Quốc đang trở thành một phần của các chuỗi cung cấp toàn cầu” - ông Rein nói

Các công ty thực phẩm lớn đang hậu thuẫn cho công nghệ mới được gọi là blockchain vốn mã hóa các thông tin giao dịch đồng tiền ảo.

Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Wal-Mart của Hoa Kỳ là nơi đầu tiên thử nghiệm công nghệ mới để theo dõi thịt heo ở khoảng 400 siêu thị của họ ở Trung Quốc. Khoảng thời gian theo dõi 26 giờ trước đây nay chỉ còn vài giây. Frank Yiannas, phó chủ tịch về an toàn thực phẩm của Wal-Mart cho biết, dự án này có thể áp dụng với các sản phẩm khác.

Còn Công ty Công nghệ Thông tin Zhong An ở Thượng Hải nói rằng họ đang dùng kỹ thuật này để theo dõi quá trình gà từ hợp tác xã chăn nuôi đưa đến xưởng giết mổ và đưa ra thị trường.

Riêng Alibaba cũng thấy được tiềm năng của việc dùng công nghệ blockchain ra đời cách đây tám năm để tạo nên sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm trên sàn giao dịch của mình. Trang thương mại điện tử khổng lồ này sẽ làm việc với các nhà cung ứng thực phẩm ở Australia và New Zealand, cũng như cơ quan bưu chính Australia Post và Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP.

Cuộc chiến không hồi kết

Sự am tường công nghệ và xảo quyệt của những tay làm hàng giả có thể làm cho Công ty Inscatech của Weinberg khó khăn hơn. Điều này có nghĩa blockchain khó có thể ứng dụng trong cuộc chiến chống đồ ăn giả trừ phi mọi dữ liệu được bảo đảm là chính xác”. Nhưng công nghệ blockchain đi trước hệ thống theo dõi bằng văn bản, giấy tờ mà ngành công nghệ thực phẩm toàn cầu đang sử dụng rất nhiều, và phải đo bằng nhiều năm.

Thách thức của “công xưởng của thế giới” là vô cùng lớn bởi Trung Quốc quá rộng lớn, dân số đông và tầng tầng lớp lớp quản lý số lượng trang trại khổng lồ - vốn gấp 100 lần số nông trại chăn nuôi và trồng trọt của Hoa Kỳ. Và bên cạnh đó là “sự sẵn sàng của các tập đoàn tội phạm len lỏi mọi ngõ ngách để kiếm tiền” - theo lời của Michael Ellis, từng là trưởng đội đặc nhiệm chống hàng giả của Cảnh sát Quốc tế (Interpol).

Từng là thám tử của cơ quan cảnh sát Anh - Scotland Yard, Ellis đã tham gia vào chiến dịch Opson của Interpol thu giữ 10.000 tấn thực phẩm và 1 triệu lít đồ uống độc hại với con người ở trên 50 quốc gia.

Nếu không có cuộc chiến chống thực phẩm giả, vấn đề sẽ bùng nổ toàn cầu; “Nó sẽ tiếp tục phát triển mà không ai biết hậu quả sẽ thế nào” - Ellis nhận định.

 Ricky Hồ

 
Nên đọc