Con đường mới của Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump

(NTD) - “Ông ấy muốn đi con đường mới!” Thủ tướng Lý Hiển Long nói như vậy về quyết tâm của Chủ tịch Kim Jong-un khi quyết định đến với cuộc đối thoại lịch sử với Tổng thống Donald Trump tại Singapore sáng nay 12/6.

Chiếc xe mang biệt danh "Quái thú" của Tổng thống Donald Trump mang cờ của Hoa Kỳ và Singapore chạy trên đường phố Singapore tối 10/6. Khoảng cách từ hai khách sạn của hai nhà lãnh đạo đến nơi họp - khách sạn Capella - là đoạn đường ngắn, nhưng phải mất thời gian dài để đến và để đạt kết quả cụ thể (Ảnh: Trần Phong)

Thế nhưng, khi ông Kim và ông Trump rời khách sạn nơi mình ngụ để đến nơi họp ở khách sạn Capella, cả ông Kim lẫn ông Trump đang đi trên “con đường mới”. Đó là con đường dẫn đến quá trình giải trừ hạt nhân, đem lại hòa bình thật sự cho bán đảo Triều Tiên – điều mà người dân ở đây luôn khao khát dù chiến tranh đã kết thúc gần 70 năm qua.

Trong cuộc họp báo tại khách sạn JW Marriott chiều qua 11/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo một lần nữa đã nhắc lại một quá trình giải trừ hạt nhân “toàn diện, nhanh chóng, có thể xác minh và không thể đảo ngược”. Đó cũng chính là ý chí của ông Trump khi ông tuyên bố muốn giải quyết mọi chuyện trong một lần đàm phán – “one time shot” – như cá tính rốt ráo, muốn mọi chuyện nhanh chóng của ông.

Hoa Kỳ đã gửi một “đội quân đại sứ” gồm những đại diện ngoại giao xuất sắc nhất của mình đến Singapore và làng phi quân sự Bàn Môn Điếm để chuẩn bị nội dung hội đàm và các vấn đề hậu cần. Triều Tiên cũng cử tướng tình báo Kim Yong-chol – cánh tay phải của Chủ tịch Kim – đến Washington để trao tận tay ông Trump lá thư của ông Kim, cùng thiện chí hội đàm về cơ hội giải quyết kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của đất nước này.

Dù ý chí của cả hai nhà lãnh đạo là vậy, nhưng quá trình giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên không đơn giản vì bế tắc đã hơn 40 năm qua. Tiến sĩ Siegfried S. Hecker – một nhà khoa học về vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ tại Đại học Stanford - nói rằng quá trình đó cần tối thiểu là 10 năm, cộng thêm khả năng thăng trầm của quan hệ ngoại giao hai bên nên sẽ kéo dài thành 15 năm.

Tiến sĩ Hecker đã vạch ra lộ trình rõ ràng cho con đường này.

Giai đoạn đầu, mất khoảng một năm, là dừng các hoạt động nhân sự, công nghiệp và quân đội. Giai đoạn hai, có thể mất 5 năm, là tháo dỡ hoặc thu hẹp quy mô các nhà máy và các loại vũ khí. Giai đoạn cuối và khó khăn nhất, có thể mất đến 10 năm, là việc hủy bỏ hay giới hạn hoạt động của các nhà máy hoặc chương trình.

Và chính Tổng thống Trump cũng hiểu rõ con đường đó, dù ông hay mạnh miệng tuyên bố “chỉ cần giải quyết trong một lần đàm phán”!

Những diễn biến tại Singapore trong hai ngày qua khi cả hai nhà lãnh đạo quyền lực của thế giới đáp máy bay xuống Singapore cho phép mọi người hy vọng về một cam kết cụ thể. Cả ông Kim và chuyên gia đàm phán Choe Son Hui lộ rõ sự thoải mái và vui vẻ trên bàn đàm phán và trong cuộc dạo chơi quanh Singapore. Nhưng đối với một quốc gia khép kín như Triều Tiên, việc suy đoán và diễn giải các hành động của họ và dự báo về tương lai không dễ dàng.

Và như vậy, con đường mới của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên cho quá trình triệt thoái vũ khí hạt nhân vẫn chưa có thời gian và đích đến rõ ràng.

Ricky Hồ

Nên đọc