Hòn Tre Lớn
Nằm về phía tây của đảo Côn Sơn, Hòn Tre Lớn có diện tích hơn 77ha. Tài nguyên rừng có nhiều loài động thực vật tiêu biểu của hệ sinh thái rừng biển đảo nhiệt đới như: Bàng biển, bàng vuông, phong ba... Động vật rừng có sóc mun, kỳ đà, trăn, rắn... Một số loài chim biển: Yến hàng, bồ câu Nicoba, chim Gầm ghì trắng... Tài nguyên dưới mặt nước biển rất đa dạng và phong phú như: Các loài cá sống trong rạn san hô, trai tai tượng ốc bàn tay, rùa biển... Do có được những tiêu chí sinh học cơ bản, nên biển quanh đảo Hòn Tre Lớn được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái.
Hòn Tre Lớn có bãi cát trắng mịn, sát rừng. Đây là nơi có nhiều rùa biển lên đẻ trứng. Mỗi năm có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng. Đến Hòn Tre Lớn khám phá, xem rùa đẻ trứng là tiết mục rất hấp dẫn, thú vị. Du khách có thể đi tàu hoặc ca nô từ bãi Ông Đụng hoặc các điểm dịch vụ cho thuê ca nô, tàu du lịch nhỏ...
Hòn Bảy Cạnh
Hòn Bảy Cạnh còn có tên gọi khác là Bãi Cát Lớn, với diện tích 683ha, vị trí ở phía đông của Côn Đảo (đảo Côn Sơn), hai phần đảo nối liền với nhau bằng dải cát cao chừng 2m, nổi lên ở giữa. Rừng mưa nhiệt đới hầu như bao phủ trên khắp hải đảo, rừng có các động vật hoang dã quý, hiếm như sóc mun, sóc đen Côn Đảo, kỳ đà, trăn, rắn, một số loài chim biển đặc trưng… Trên nền cát hình thành bởi san hô đã phân hủy là rừng ngập mặn nguyên sinh. Hệ sinh thái này kết nối sinh học với các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên núi, hệ sinh thái thảm cỏ biển và hệ sinh thái các rạn san hô tạo thành một quần thể, môi trường sinh thái phong phú, đa dạng. Môi trường, không gian biển hòn Bảy Cạnh được quy hoạch là phân khu phục hồi sinh thái với sự bảo vệ nghiêm ngặt.
Hòn Bảy Cạnh với tài nguyên biển với nhiều loài sinh vật biển như: Các rạn san hô, các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển, rong biển... Bãi Cát Lớn trên hòn Bảy Cạnh là 1 trong 14 bãi đẻ trứng của rùa biển Côn Đảo và là bãi biển có số lượng rùa lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Trong mùa sinh sản (từ tháng 4-9 hằng năm), đêm thì có 1-2 cá thể, đêm nhiều có từ 20-30 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng.
Ở phía đông bắc Hòn Bảy Cạnh, năm 1884 người Pháp đã xây dựng Ngọn Hải Đăng đến nay vẫn đang hoạt động, hướng dẫn tàu thuyền đi lại trong khu vực. Du khách có thể đi theo đường mòn ven núi lên ngọn Hải Đăng ngắm nhìn bao quát cảnh quan bao la, kỳ vĩ của quần đảo Côn Lôn.
Hòn Bảy Cạnh. |
Hòn Cau
Hòn Cau thời vua Gia Long có một làng cổ với tên “Xóm Bà Thiết”. Phía trước Hòn Cau có bãi cát trắng mịn hình trăng lưỡi liềm trải dài ven mép núi, trên bãi là những hàng dừa xanh lả ngọn xen lẫn với những cây phong ba sừng sững như bức trường thành xanh chắn gió. Dạo chơi giữa không gian, non nước hữu tình của Hòn Cau, ta sẽ nghe tiếng sóng vỗ rì rào, tung bọt trắng xóa lên những ghềnh đá hoang sơ. Hòn Cau đã được thiên nhiên ưu ái, hào phóng ban tặng cho một rặng san hô lấp lánh sắc màu cùng một hệ thống động thực vật dưới nước vô cùng phong phú. Đặc biệt Hòn Cau có nguồn nước ngầm dồi dào, dù nằm giữa đại dương bao la.
Hòn Cau, có các loại cây ăn quả như đu đủ, mãng cầu, chuối, và rất nhiều dừa, làm cho biển đảo gần gũi như trong đất liền… Ngày nay, Hòn Cau là một trong những điểm quan trọng của quốc gia trong việc bảo tồn các loài động vật biển quý hiếm như vích biển, yến sào và rùa biển. Đây cũng là điểm tham quan, khám phá được rất nhiều người yêu thích mỗi khi đến Côn Đảo.
Ngoài các hòn đảo tiêu biểu kể trên, quần đảo Côn Lôn còn có các đảo khác như Hòn Bà, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Bông Lan, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài Nhỏ, Hòn Trác Lớn, Hòn Trác Nhỏ, Hòn Vung, Hòn Trọc, Hòn Trứng... mỗi hòn một vẻ xinh đẹp, độc đáo, đặc trưng và hấp dẫn luôn gợi sự tò mò, muốn khám phá của khách du lịch.
Đặc biệt, ở Côn Đảo còn có loài động vật biển rất quý hiếm, dó là Bò biển (Dugong) đã được đưa vào Sách đỏ. Theo các nhà nghiên cứu, ở biển Côn Đảo hiện chỉ còn khoảng 10 cá thể Bò biển.
Ngày nay thật dễ dàng nếu như bạn muốn đến quần đảo nổi tiếng này. Chỉ trên dưới 3 tiếng đồng hồ, từ TP. Vũng Tàu hoặc TP. Cần Thơ, các tàu cao tốc hiện đại sẽ đưa chúng ta đến với Côn Đảo non nước hữu tình - nơi được ví như là “thiên đường” giữa biển Đông.
Hòn Tài. |
Đặng Hoàng Thám