Theo số liệu của Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm Liên Hiệp Quốc - UNODC, trên thế giới hiện có 255 triệu người sử dụng ma túy, trong đó số người sử dụng các chất kích thích dạng amphetamine (ATS), hay còn gọi ma tuý tổng hợp, chiếm 15%. Xu hướng sử dụng, nghiện ma túy tổng hợp tại Việt Nam ngày càng gia tăng: năm 2001, có khoảng 1,5% người dùng ma túy ở Việt Nam sử dụng ATS; năm 2016 con số này lên đến xấp xỉ 10%. ATS có hại cho sức khỏe và có thể dẫn đến nghiện. Ở mức độ sử dụng thấp, ATS đem lại cảm giác tự tin, hưng phấn và dồi dào năng lượng. Người dùng sẽ có nhu cầu tình dục cao hơn. Do đó, họ dễ có các hành vi tình dục nguy cơ cao. Ở mức độ thường xuyên và liều lượng cao, người sử dụng sẽ gặp phải vấn đề như: lo âu, kích động, tim đập nhanh, nghiến răng và một số rối loạn tâm lý khác. Sốc ma tuý đá gây ra nhồi máu cơ tim, co giật và đột quỵ. STSS gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ. Vì thế dẫn đến những tác hại lâu dài đối với sức khoẻ tâm trí, bao gồm: lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và khả năng không đưa ra được quyết định một cách tỉnh táo. Tình trạng sử dụng ATS kéo dài, có thể dẫn tới tăng độ dung nạp và phụ thuộc.
TS. Nicole Lee cho biết: "Nghiện ATS có thể dự phòng và điều trị. ATS gây nhiễu loạn các chức năng của não bộ. Tuy nhiên, những vấn đề này mang tính chất tạm thời, và các chức năng của não bộ dần có thể hồi phục sau khi ngưng sử dụng ma tuý. Đối với những người đã sử dụng trong một khoảng thời gian dài, quá trình hồi phục có thể mất đến 12-18 tháng và thậm chí lâu hơn. “Chúng ta cần thay đổi quan điểm và phương pháp điều trị và cách cung cấp dịch vụ cho phù hợp, để có thể ứng phó với những tác dụng khác nhau của ma tuý đá. Với mỗi Dolar đầu tư vào điều trị, cộng đồng có thể tiết kiệm được 7 Dolar cho các chi phí khác, mà đáng ra phải dùng để khắc phục hậu quả do việc sử dụng ATS hợp gây ra”.
Các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin về việc can thiệp giảm hại, điều trị dành cho những người sử dụng ATS |
Còn theo chuyên gia Nick Veldwijk, Quản lý khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Mainline ( Hà Lan), với hơn 5 năm kinh nghiệm bền vững làm việc trên toàn cầu trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững; đặc biệt, làm việc với các nhóm bị lề hóa trong xã hội, như: người sống chung với HIV/AIDS, người sử dụng chất..., cho biết, can thiệp cơ bản nhất dành cho người nghiện ATS là cung cấp chính xác những tác động của ATS với sức khỏe cho những người đang sử dụng. Tại Hà Lan, họ có những người chịu trách nhiệm tìm đến những người đang sử dụng ATS để thông tin cho họ hiểu hơn về tác động nguy hiểm này. Đồng thời tư vấn họ những biện pháp giảm hại, hoặc đưa ra hỗ trợ, nếu họ có nhu cầu. Điều quan trọng nhất, kết nối người sử dụng ATS với các dịch vụ y tế về sức khỏe tâm thần.
Thế nhưng người sử dụng ATS đang gặp rất nhiều kỳ thị từ cộng đồng. Họ dễ bị "thuyết giảng" bởi người khác và cũng sẽ không dễ tiếp thu ý kiến. Chuyên gia Nick Veldwijk cho biết, Tổ chức Mainline đã xây dựng các cách tiếp cận phù hợp những người sử dụng ATS để có thể cung cấp chính xác nhất các nhu cầu hỗ trợ, giảm hại dành cho người nghiện ma túy.
Theo nghiên cứu của SCDI, phần lớn nguyên nhân dẫn tới hành vi sử dụng ma túy ở những người trẻ xuất phát từ những sang chấn tâm lý, do các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, như: bố mẹ ly hôn, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, có người thân sử dụng ma túy… Người trẻ tuổi sử dụng ATS cũng có nguy cơ cơ lệ thuộc cao hơn, cũng như gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn. Do ở độ tuổi này não bộ vẫn đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện các chức năng, đặc biệt với nhóm thiếu niên. Vì thế, cần tìm hiểu rõ và hỗ trợ người trẻ giải quyết những “khúc mắc” này song song với các can thiệp, điều trị khác.
TS.Nicole Lee nhấn mạnh: “Với những người không sử dụng thường xuyên ATS và chưa bị lệ thuộc, những buổi tư vấn ngắn cũng đem lại nhiều hiệu quả trong việc giảm thiểu sử dụng của họ. Bởi thế, việc tư vấn can thiệp dự phòng khá quan trọng và nên được tiếp cận với những người đang sử dụng heroin, tiêm chích ma túy. Do nhóm này có xu hướng sử dụng thêm các loại ATS khác”.
Vì vậy, theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, chưa có một giải pháp can thiệp nào thật sự hữu hiệu với người lạm dụng ATS, mà cần một giải pháp tổng thể, bao gồm các can thiệp về tâm lý - xã hội, cũng như các liệu pháp điều trị, giúp giảm các tác động không mong muốn với cả người sử dụng ATS cũng như với cộng đồng.
Hoàng Mai